Phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Sẽ hỗ trợ cho 1,5 triệu học sinh

Đã đăng vào 13/09/2021 lúc 9:40

Tối 12.9, chương trình “Sóng và máy tính cho em” được tổ chức trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố và 1 điểm cầu ở Bộ GDĐT. Tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Bộ GDĐT, Bộ TTTT và một số doanh nghiệp. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ TTTT khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Nữ công nhân Phạm Thị Thanh Thủy thuê trọ tại phường An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương đang thiếu thiết bị học tập trực tuyến cho 2 con. Ảnh: Đình Trọng

Dạy – học trực tuyến là giải pháp lâu dài

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, một phong trào chuyển đổi phương thức dạy học được thực hiện đồng bộ ở các trường học trên cả nước. Dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà là giải pháp lâu dài để ngành Giáo dục vừa thích ứng, duy trì việc dạy và học, vừa đẩy mạnh chuyển đổi số trong Giáo dục. Tuy nhiên, đang có thực tế, nhiều địa phương thiếu trầm trọng cơ sở vật chất để phục vụ dạy học trực tuyến.

Theo cập nhật của Lao Động, tính đến ngày 12.9 đã có 48 tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức khai giảng năm học mới, tiến hành dạy và học cho học sinh. Trong số đó có 11.419 trường (chiếm 33,44%) tổ chức học theo hình thức trực tuyến; 14.010 trường (chiếm tỉ lệ 41,03%) tổ chức học theo hình thức trực tiếp.

Thừa nhận việc dạy học trực tuyến trong tuần đầu của năm học mới còn nhiều khó khăn, theo Bộ GDĐT, khó khăn này đến từ cả điều kiện khách quan và chủ quan như: Hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập; nhiều giáo viên thiết kế bài giảng trực tuyến theo cách làm cũ, lịch học trực tuyến quá dày… ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Theo thống kê của Bộ GDĐT đến chiều 12.9, tổng số học sinh chưa có máy tính tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1.500.000 (1,5 triệu học sinh). Nhiều nơi, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa còn chưa có mạng Internet để phục vụ học tập trực tuyến.

Ủng hộ tối thiểu một ngày thu nhập

Bộ GDĐT cho biết, hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch COVID-19 có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đó, ngày 10.9, Bộ GDĐT đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động quyên góp ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. 

Trước mắt, cuộc vận động “Máy tính cho em” sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Bộ trưởng Bộ GDĐT và Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam đề nghị Giám đốc Sở GDĐT, Chủ tịch Công đoàn ngành, Giám đốc, Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” tại tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc; kêu gọi, tuyên truyền, vận động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, đội ngũ nhà giáo, nhân viên, người lao động tham gia ủng hộ kinh phí tối thiểu là một ngày thu nhập. 

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; hướng dẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong dạy học trực tuyến; hướng dẫn bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 (đối với các cơ sở giáo dục đại học). Kho học liệu của Bộ đang được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.

3 nội dung hỗ trợ

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có 3 nội dung. Thứ nhất, đảm bảo việc phủ sóng di động. Chương trình hướng tới phủ sóng 100% toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Thời hạn hoàn thành trong tháng 9.2021. Đồng thời, Chương trình phủ sóng 100% toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc. Thời hạn hoàn thành trong năm 2021.

Thứ hai, hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến. Giai đoạn 1, trong năm 2021: Dự kiến huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Giai đoạn 2, từ năm 2022 – 2023: Tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thực hiện học trực tuyến.

Thứ ba, chương trình sẽ có các hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy và học trực tuyến. Cụ thể, sẽ miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; Miễn phí 100% cước Internet di động khi sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến.

Chương trình huy động nguồn lực tổng thể của các ban, bộ, ngành và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên cả nước đủ điều kiện học học trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh/thành phố để hỗ trợ nguồn lực, điều kiện bảo đảm và thực hiện một số mô hình hỗ trợ điểm từ đó các địa phương nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

PHẠM ĐÔNG – BÍCH HÀ

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158