Toan tính “mượn gió, bẻ măng” sẽ bị phá sản

Đã đăng vào 21/04/2020 lúc 9:48

Dư luận đang hết sức quan tâm đến việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang lợi dụng diễn biến trầm trọng của đại dịch COVID-19 đang lan tràn và đe dọa đến tính mạng của loài người để triển khai nhiều hoạt động gây căng thẳng ở Biển Đông.

Nhà giàn DK trên thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Ảnh: Hữu Long

Trong thực tế, Trung Quốc đang và sẽ triển khai nhiều mũi tiến công xuống Biển Đông mà chúng ta đang và sẽ chứng kiến.

Thứ nhất, sử dụng sức mạnh để chiếm đóng thêm các thực thể địa lý, hoặc tạo ra tại hiện trường “sự đã rồi” nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông nhằm hợp thức hóa yêu sách “lưỡi bò”, gây sức ép buộc các nước phải chấp nhận yêu sách phi lý của họ.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư xây dựng các căn cứ quân sự trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nấp dưới hình thức dân sự, như đèn biển, trạm nghiên cứu khoa học kỹ thuật biển… không chỉ phục vụ cho mục tiêu an ninh quốc phòng, mà trước mắt là nhằm vào các mục tiêu khác nhau. 

Về chính trị, để đánh lừa dư luận, khẳng định các hoạt động của họ là hợp tình, hợp lý, nhằm mục đích nhân đạo, vì cuộc sống cộng đồng, nhưng thực chất là để che đậy các hoạt động phi pháp.

Về pháp lý, tiếp tục tạo cơ sở để biện minh rằng các thực thể mà họ đánh chiếm là thích hợp cho đời sống con người và có đời sống kinh tế riêng, cho nên có quyền mở rộng phạm vi biển “kế cận”, “liên quan” của chúng đến 200 hải lý. Quyết định thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” cũng là một mũi tiến công pháp lý được Trung Quốc bài binh bố trận trong những toan tính đang diễn ra trong Biển Đông.

Về kinh tế, tìm cách “xí phần” nguồn lợi biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông, theo chủ trương “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác”… gạt bỏ các đối tác là các công ty của các nước đang hợp tác với các quốc gia trong khu vực… tạo ra tình huống “đục nước béo cò”; gây ra môi trường kinh doanh, sản xuất bất ổn, làm suy yếu hoạt động kinh tế của các quốc gia trong khu vực… Nhóm tàu Hải Dương 8 đang di chuyển xuống phía Nam Biển Đông có lẽ không nằm ngoài những mục tiêu này của Trung Quốc.

Hơn lúc nào hết, đoàn kết luôn luôn là sức mạnh vô địch phải được duy trì và phát huy trong từng quốc gia, trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Vì vậy, dù Trung Quốc có toan tính sử dụng kế sách “mượn gió, bẻ măng” hay, thậm chí có cả kịch bản đã cố tình “gieo gió” nguy hại đến đâu chăng nữa, thì trước sau cũng bị phá sản và ắt cũng phải “gặp bão” mà thôi!

TIẾN SĨ TRẦN CÔNG TRỤC – NGUYÊN TRƯỞNG BAN BIÊN GIỚI CHÍNH PHỦ

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158