Báo Mỹ: Lầu Năm Góc tiết lộ sức mạnh quân đội Trung Quốc

Đã đăng vào 14/09/2020 lúc 16:11

Sự chuyển đổi của quân đội Trung Quốc thành một lực lượng hiện đại đã được nêu chi tiết trong Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc thường niên của Lầu Năm Góc.

Tên lửa DF-26 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo tờ Business Insider, bản báo cáo công bố tuần trước chứa đựng những sự thật sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách và quan chức quốc phòng Mỹ kinh ngạc: Trung Quốc hiện có hải quân lớn nhất thế giới, đang mở rộng kho vũ khí tên lửa tiên tiến và đồ sộ.

Báo cáo viết rằng, Trung Quốc đã "thống nhất các nguồn lực, công nghệ và ý chí chính trị trong hai thập kỷ qua để củng cố và hiện đại hóa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) về mọi mặt", đồng thời cho biết thêm, "Trung Quốc đã đi trước Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định".

Điểm này được thể hiện rõ ràng trong 6 bản đồ cho thấy quy mô của các lực lượng PLA và tầm bắn của tên lửa.

Lục quân Trung Quốc (PLAA)

Bản đồ đầu tiên hiển thị các vị trí của bộ chỉ huy lực lượng Lục quân PLA (PLAA). Có 5 bộ chỉ huy Lục quân PLA: Miền Bắc, Miền Trung, Miền Đông, Miền Nam và Miền Tây. Ngoài ra còn có thêm 2 bộ chỉ huy quân sự ở các tỉnh xa xôi của Trung Quốc là Tân Cương và Tây Tạng.

Báo cáo khẳng định, PLAA là lực lượng thường trực lớn nhất thế giới, với 915.000 quân nhân phục vụ trong 13 quân đoàn, một trong số đó có quy mô tương đương Quân đoàn Mỹ – 20.000 đến 45.000 quân.

Mỗi quân đoàn bao gồm 78 lữ đoàn vũ trang kết hợp, mỗi lữ đoàn có thể có tới 5.000 binh sĩ.

Các lữ đoàn được tổ chức thành 3 loại: hạng nặng (xe tăng và xe bọc thép bánh xích), hạng trung (xe bọc thép bánh lốp) và hạng nhẹ (bộ binh, trực thăng vận, và cơ giới).

Điều thú vị là bản đồ bao gồm Quân đoàn Nhảy dù của PLA, thực chất là một phần của Không quân Trung Quốc. Quân đoàn được tạo thành từ sáu lữ đoàn vũ trang hỗn hợp trên không, ít nhất một trong số đó được cơ giới hóa bằng xe chiến đấu bộ binh bọc thép nhảy dù ZBD-03.

Lực lượng Hải quân Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Hải quân Trung Quốc (PLAN)

Bản đồ cho thấy cấu trúc của tất cả các hạm đội, trong đó Hạm đội phía Đông và phía Nam có nhiều tàu nhất. Hải quân Trung Quốc cũng bao gồm sáu lữ đoàn thủy quân lục chiến và một lực lượng không quân nhỏ nhưng đang phát triển.

Không quân Trung Quốc (PLAAF)

Theo báo cáo, Không quân Trung Quốc, kết hợp với lực lượng Không quân của Hải quân Trung Quốc, là lực lượng không quân lớn nhất trong khu vực và lớn thứ ba trên thế giới.

"PLAAF đang nhanh chóng bắt kịp các lực lượng không quân phương Tây với nhiều khả năng và năng lực khác nhau" – báo cáo lưu ý.

Hơn 800 trong số 1.500 máy bay chiến đấu của Trung Quốc được coi là thế hệ thứ tư, ngang bằng với các máy bay chiến đấu của phương Tây. PLAAF cũng có một máy bay chiến đấu tàng hình đang được biên chế và một máy bay ném bom tàng hình đang được phát triển.

Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã trình làng máy bay ném bom H-6N, máy bay ném bom hạt nhân đầu tiên của nước này có thể tiếp nhiên liệu trên không. Điều này đánh dấu sự trở lại của bộ ba hạt nhân trên không của Trung Quốc.

Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Với việc phát triển một tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ trên không có thể đang được tiến hành, lần đầu tiên Trung Quốc có thể sớm có một bộ ba hạt nhân hoàn chỉnh và khả thi.

Hầu hết các căn cứ không quân của Trung Quốc đều ở phía nam và phía đông của đất nước.

Tầm bắn của tên lửa Trung Quốc

Ba bản đồ của Lầu Năm Góc cho thấy khả năng tàn phá của loại vũ khí có thể là quan trọng nhất của PLA: Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Trung Quốc có một trong những kho vũ khí tên lửa đa dạng và lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo, tầm bắn của hầu hết các tên lửa thông thường của Trung Quốc là hơn 2.000 km.

Đặc biệt đáng lo ngại là DF-26 và DF-21. Cả hai đều là tên lửa đạn đạo tầm trung phóng di động từ mặt đất. DF-26, có thể mang đầu đạn hạt nhân và thông thường, được mệnh danh là "sát thủ đảo Guam" vì khả năng tiếp cận các căn cứ của Mỹ ở Guam.

Máy bay ném bom H-6J của PLAAF, có khả năng mang 6 tên lửa chống hạm YJ-12.

Trong khi đó, các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Trung Quốc có thể đạt tầm bắn từ 1.750 km đến 13.000 km. Trong số này, DF-5 và DF-41 đặc biệt đáng ngại, cả hai đều có thể tiếp cận gần như toàn bộ lục địa Mỹ. DF-41, được công bố lần đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, có thể mang theo 10 đầu đạn, mỗi đầu đạn có khả năng đánh các mục tiêu khác nhau.

Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào công nghệ tên lửa. Báo cáo của Lầu Năm Góc nói rằng, vào năm 2019, Lực lượng Tên lửa PLA (PLARF) "đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo để thử nghiệm và huấn luyện hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại".

Tuy nhiên, báo cáo cho biết, vẫn có những khác biệt quan trọng về chất lượng và khả năng của quân đội và vũ khí của Trung Quốc so với Mỹ.

Theo báo cáo, quân đội Mỹ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn PLA, cũng như khí tài hùng hậu như các nhóm tác chiến tàu sân bay chuyên dụng.

PLA cũng vẫn phải đối mặt với những thách thức, chẳng hạn như khó khăn trong việc sản xuất động cơ chất lượng cao.

KHÁNH MINH

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158