Cộng đồng quốc tế phản ứng khi Mỹ đơn phương tái trừng phạt Iran

Đã đăng vào 22/09/2020 lúc 16:01

Mỹ tuyên bố khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran. Tuy nhiên, tuyên bố này bị Iran, cộng đồng quốc tế, trong đó có các đồng minh Châu Âu cũng như các nước lớn khác bác bỏ vì động thái của Washington nhắm vào Tehran không có hiệu lực pháp lý.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft gặp gỡ báo giới sau cuộc họp với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cáo buộc Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và kêu gọi khôi phục các lệnh trừng phạt với Iran tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York hôm 20.9. Ảnh: AFP

Cảnh báo của Mỹ

Hôm 20.9, Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo sẽ có những hậu quả với bất kỳ quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nào không tuân thủ các biện pháp trừng phạt với Iran, vốn đã được dỡ bỏ theo Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA hay thỏa thuận hạt nhân Iran) mà Iran ký với 6 cường quốc trên thế giới và Mỹ đã đơn phương rút khỏi 2 năm trước, Al Jazeera đưa tin.

Ngoài việc tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí thông thường sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới, ông Mike Pompeo cho biết, các nước thành viên Liên Hợp Quốc phải tuân thủ các hạn chế như lệnh cấm Iran tham gia các hoạt động làm giàu và tái xử lý lí hạt nhân, cấm thử nghiệm và phát triển tên lửa đạn đạo và các biện pháp trừng phạt với việc chuyển giao công nghệ hạt nhân và tên lửa.

“Nếu các nước thành viên Liên Hợp Quốc không hoàn thành nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các lệnh trừng phạt này, Mỹ sẵn sàng sử dụng các công cụ của riêng mình để buộc (các nước thành viên) phải gánh chịu hậu quả cho những sai sót đó và đảm bảo rằng Iran sẽ không được hưởng lợi ích từ hoạt động bị Liên Hợp Quốc cấm” – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra một tháng sau khi Washington chính thức khởi động lại tiến trình nhằm khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran, với cáo buộc Iran vi phạm đáng kể JCPOA đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.

Dù đã rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 4.2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt Iran, Mỹ cho rằng, về mặt kỹ thuật, Washington vẫn là một “bên tham gia” thỏa thuận và có thể kích hoạt cơ chế “snapback” (quy trình đảo ngược – nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran). Đây là cơ chế do nhóm đàm phán của Mỹ nghĩ ra trước khi JCPOA được ký kết, quy định rằng nếu Iran vi phạm các cam kết, tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế có thể được tái áp đặt lại.

Dấu hiệu rạn nứt quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, trong đó có 4 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an khác, khẳng định, Mỹ không còn khả năng pháp lý để buộc thông qua bất kỳ thay đổi nào kể từ khi rút khỏi JCPOA.

Trong thư gửi tới Hội đồng Bảo an, các bên Châu Âu ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran gồm Anh, Pháp và Đức, hay E3, nhấn mạnh, việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran sẽ tiếp tục. E3 khẳng định, bất kỳ quyết định hoặc hành động nào nhằm tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nói trên không có hiệu lực về pháp lý.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng phát biểu trước Hội đồng Bảo an rằng ông sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào với tuyên bố của Mỹ vì “dường như không chắc chắn liệu có hay không có bất kỳ quy trình nào đã thực sự được bắt đầu chưa”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 20.9 tuyên bố chúc mừng các cường quốc thế giới khi sức ép của Mỹ nhằm khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc “đã đạt đến điểm hoàn toàn thất bại”. Ông cho rằng, ngày 20.9 “sẽ là một ngày đáng nhớ trong lịch sử ngoại giao” của Iran. Tổng thống Hassan Rouhani cũng nói thêm, nếu Mỹ tìm cách buộc các nước khác tuân thủ việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran, Tehran sẽ có “phản ứng mang tính quyết định” phù hợp. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh: “Thông điệp của Tehran dành cho Washington rất rõ ràng: Hãy quay trở lại với cộng đồng quốc tế. Hãy trở lại với những cam kết của của các vị…”.

Theo Hamidreza Azizi – nghiên cứu viên khách mời tại Viện Quốc tế và An ninh Đức (SWP), có những lý do rõ ràng khiến các cường quốc Châu Âu, cũng như Nga và Trung Quốc, phản đối yêu cầu của Mỹ. Theo chuyên gia này, cuộc đối đầu về điều khoản “snapback” là dấu hiệu mới nhất và rõ ràng nhất về sự rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Nỗ lực của Mỹ để kích hoạt cơ chế snapback xuất phát từ một yêu cầu khác mà nước này đưa ra và bị từ chối tại Hội đồng Bảo an. Giữa tháng 8, Hội đồng Bảo an liên tục bác bỏ đề nghị của Mỹ về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Iran, vốn hết hạn vào ngày 18.10 tới. Washington chỉ có được sự ủng hộ của Cộng hòa Dominica với dự thảo nghị quyết đề xuất kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận, khiến nước này thiếu 9 phiếu thuận tối thiểu cần thiết để dự thảo được thông qua. Có 11 thành viên Hội đồng Bảo an khác bỏ phiếu trắng trong khi Trung Quốc và Nga phản đối.

THANH HÀ

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158