COVID-19 thế giới 19.4: Hơn 76.000 ca mắc mới; Thổ Nhĩ Kỳ vượt Iran

Đã đăng vào 19/04/2020 lúc 10:52

Thế giới có hơn 76.000 ca mắc COVID-19 mới trong 24h qua. Mỹ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ở một số bang, Tây Ban Nha kéo dài tình trạng báo động, Thổ Nhĩ Kỳ vượt Iran, có số ca nhiễm cao nhất ở Trung Đông… là những tin đáng chú ý trong sáng ngày hôm nay.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 2.317.759 ca nhiễm COVID-19 tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 159.691 người đã tử vong và 592.319 người đã hồi phục.       

Mỹ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ở một số bang

Vào ngày 18.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, một số doanh nghiệp ở bang Texas và Vermont sẽ được phép hoạt động trở lại vào ngày 20.4, nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Vào ngày 24.4, bang Montana sẽ bắt đầu được dỡ bỏ lệnh giới nghiêm.

“Chúng tôi tiếp tục chứng kiến những dấu hiệu lạc quan cho thấy Mỹ đã qua đỉnh dịch” – Guardian dẫn lời Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, một số thống đốc báo cáo họ sẽ chưa sớm hành động để mở lại nền kinh tế cho đến khi việc xét nghiệm virus được mở rộng. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, đất nước cần phải xét nghiệm rộng rãi trước khi hoạt động trở lại.

Tổng thống Trump cho biết “xét nghiệm của chúng tôi ngày càng tốt hơn”, nhưng ông chưa đưa ra chứng cứ cụ thể. Hai thống đốc đảng Cộng hòa và Dân chủ “đã công bố các bước cụ thể để bắt đầu mở cửa giai đoạn đầu”. 

Tây Ban Nha kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 9.5

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 9.5 thay vì đến ngày 26.4 như ban đầu.

“Ngày hôm nay không thể dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus và đi đến giai đoạn 2 của việc nới lỏng phong tỏa” – CNN dẫn lời tuyên bố của Tổng thống Sanchez.

Vào ngày 14.3, chính phủ Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp và đặt ra các quy định kiểm soát di chuyển và kinh doanh.  

Thủ tướng Sanchez cho biết, sau ngày 9.5, việc nới lỏng phong tỏa sẽ diễn ra thật thận trọng.

“Chúng ta biết về sự lây lan của virus và có một hệ thống y tế tiên tiến, do vậy mà chúng ta biết dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra như thế nào ở từng khu vực”, Thủ tướng khẳng định.

Nới lỏng phong tỏa có thể tiến hành ở các mức độ khác nhau tùy vào từng khu vực, nhưng nếu có bất cứ rủi ro nào diễn ra, việc này sẽ phải dừng lại.

Vào ngày 13.3, khoảng 4 triệu công dân nước này quay trở lại làm việc trong các lĩnh vực xây dựng và sản xuất. Tuy nhiên, các cửa hàng bán lẻ, quán bar, quán càphê, các địa điểm giải trí không cần thiết và các hoạt động kinh doanh du lịch vẫn đóng cửa.

Cảnh sát Quốc gia và Bảo vệ Dân sự tiếp tục thi hành lệnh cấm đối với tất cả các hoạt động không cần thiết.  Mật độ giao thông trên các tuyến phố chính đã giảm khoảng 80% so với trước đây.  

Thổ Nhĩ Kỳ vượt Iran, trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao nhất ở Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua Iran, trở thành quốc ca có số ca nhiễm cao nhất Trung Đông, với tổng số 82.329 ca tính đến 6h30 ngày 19.4. Iran xác nhận có 80.868 ca nhiễm virus.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, có 3.783 ca nhiễm được ghi nhận trong 24 giờ qua, giảm nhẹ so với tuần trước – xung quanh 4.000 ca.  Cũng trong 24 giờ qua, quốc gia này xác nhận có 121 người tử vong, nâng tổng số lên 1.890.

Ít nhất 1.894 bệnh nhân đang được điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Tổng số bệnh nhân đã hồi phục là 10.453, có 1.890 bệnh nhân được xuất viện vào ngày 18.4 (theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ).

Quốc gia này sẽ kết thúc lệnh giới nghiêm vào 0h ngày 19.4 (theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ). Ngoài ra, Bội Nội vụ tuyên bố kéo dài thêm 15 ngày hạn chế đi lại ở 31 tỉnh, chiếm 2/3 dân số quốc gia này.

Đức có thể hạn chế nợ do dịch COVID-19 nếu kinh tế cải thiện

Vào ngày 19.4, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, Đức có thể quản lý tác động của cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 mà không vượt quá mức nợ được phê duyệt nếu nền kinh tế khởi sắc trong nửa cuối năm 2020.

Nghị viện đã bổ sung 156 tỉ Euro vào ngân sách để chống khủng hoảng, 100 tỉ Euro vào quỹ ổn định kinh tế lấy cổ phần trong các doanh nghiệp và 100 tỉ Euro tín dụng cho ngân hàng KfW.

Động thái này chủ yếu nhằm mục đích bổ sung vào quỹ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Khi được hỏi liệu 156 tỉ Euro có thể duy trì mức nợ cao nhất hay không, Bộ trưởng Scholz khẳng định: “Nếu chúng ta nâng đường cong kinh tế lên cao trở lại trong cuối năm nay, thì việc này là có thể”.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, Đức có hệ thống phúc lợi xã hội luôn hỗ trợ nhà nước ở mức cao nhất có thể, nhưng điều này đồng nghĩa với việc những người có thu nhập cao sẽ đóng thuế cao hơn sau đại dịch COVID-19. Song, ông cũng nhấn mạnh việc đóng thuế như vậy cần phải công bằng và sẽ có hỗ trợ cho các nhóm thu nhập thấp hơn.

Bộ trưởng thông tin rằng nếu cần thiết, ông sẽ cung cấp các gói kích thích kinh tế khi mà lệnh phong tỏa khiến các doanh nghiệp đóng cửa và người lao động phải ở nhà.

“Đó là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh việc kinh doanh một lần nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh. “Ngoài ra, chúng tôi sẽ chú ý đến việc hiện đại hóa đất nước bằng việc giảm lượng khí thải CO2 hoặc số hóa”.

Ông cho biết, chính phủ cũng đang xem xét các biện pháp hỗ trợ cho các chủ khách sạn và nhà hàng.

HỒNG HẠNH

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158