Đại dịch COVID-19: Các nước dùng biện pháp gì để giữ chân người dân ở nhà

Đã đăng vào 30/03/2020 lúc 11:14

Các quốc gia trên thế giới đang tăng cường các biện pháp nhằm giữ chân người dân ở nhà trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19.

Người đàn ông đi bộ trên con đường vắng vẻ dẫn đến Dinh Tổng thống ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 24.4. Ảnh: AFP

 

Italia

Italia đã phong toả toàn quốc, bao gồm các hạn chế đi lại và cấm tụ họp nơi công cộng, kể từ 10.3.

Thắt chặt hơn nữa, ngày 21.3, Thủ tướng Giuseppe Conte đã ban hành lệnh đóng cửa tất cả các ngành không thiết yếu cho đến 3.4. Người dân cũng không được di chuyển qua các thành phố khác trừ lý do khẩn cấp, công việc hoặc sức khoẻ.

Khu vực Lombardy ở miền bắc Italia đã bị phong toả từ 8.3. Theo các quy định mới từ 21.3, hoạt động thể thao và thể chất bên ngoài, dù chỉ 1 cá nhân, đều bị cấm.

Ngày 18.3, hơn 8.200 người ở Italia đã bị buộc tội vì không tuân thủ các quy định phong toả, The Local đưa tin. Bất cứ ai bị bắt gặp trên đường mà không có lý do chính đáng có nguy cơ bị phạt 226 USD.

Tây Ban Nha

Đất nước khoảng 46 triệu dân đã bị phong toả từ 14.3. Mọi người chỉ được phép rời khỏi nhà để làm các công việc thiết yếu: Mua thực phẩm, lý do y tế hoặc dắt chó đi dạo.

Người dân không tuân thủ các quy tắc hạn chế có thể phải đối mặt với mức phạt bắt đầu từ 109 USD cho các vi phạm nhỏ hoặc lên đến một năm tù nếu họ chống đối nhà chức trách hoặc cảnh sát viên thực thi nhiệm vụ, The Local đưa tin.

Pháp

Pháp đang phong toả toàn quốc bắt đầu từ 17.3 đến 15.4. Các cuộc tụ họp công cộng bị cấm. Hầu hết các cửa hàng, nhà hàng và tụ điểm giải trí đều đóng cửa.

Ngay ngày phong toả đầu tiên, cảnh sát Pháp đã phạt 4.095 người vi phạm yêu cầu ở nhà, theo tin từ France 24. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Barshe Castaner ngày 18.3 cho biết mức phạt hiện là 148 USD và có thể lên tới 411 USD để ngăn người dân không đi ra ngoài.

Từ ngày 24.3, người dân sẽ chỉ có thể tập thể dục một mình hoặc với con cái mỗi ngày 1 lần, mỗi lần không quá 1 giờ, trong phạm vi 1 km quanh nhà.

Đức

Đức kêu gọi dân chúng ở trong nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt. Cấm các cuộc tụ tập nhiều hơn 2 người, và đóng cửa trường học, cửa hàng không thiết yếu, quán bar và nhà hàng.

Spiegel đưa tin, không có hướng dẫn chung về các khoản tiền phạt, mà do các bang tự quyết định. Tại các bang miền Bắc Westfalen và Rhineland-Palatinate của Đức, những người ra khỏi nhà không có lí do chính đáng có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 27.422 USD.

Anh

Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố phong toả toàn quốc trong vòng 3 tuần có hiệu lực từ 23.3, đóng cửa trường học và các cửa hàng không thiết yếu, cấm tụ họp hơn 2 người và yêu cầu người dân ở trong nhà trừ đi mua thực phẩm hoặc thuốc.

Cảnh sát sẽ có thể phạt tới 37,37 USD nếu họ không tuân thủ các quy định, Mail Online đưa tin.

Mỹ

Hàng loạt các tiểu bang ở Mỹ đã yêu cầu người dân "ở nhà", các cư dân nên tránh đi ra ngoài trừ khi đi mua thực phẩm, thuốc hoặc làm việc trong các lĩnh vực quan trọng, Business Insider đưa tin. Một số chính quyền địa phương cũng đã áp đặt lệnh giới nghiêm, cắt giảm giao thông công cộng hoặc chặn một số con đường.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đã công bố các hướng dẫn – bao gồm tránh tụ tập trong các nhóm hơn 10 người, trẻ em học trực tuyến tại nhà và không đi ăn bên ngoài.

Malaysia

Người Malaysia đang trong thời kỳ phong toả kéo dài từ 18.3 đến 14.4. Tất cả các hình thức tụ họp công cộng vì các mục đích xã hội, tôn giáo, thể thao hoặc văn hóa đều bị cấm.

Những người không tuân thủ Lệnh Hạn chế Di chuyển có thể bị phạt không quá 234 USD hoặc bị phạt tù không quá 6 tháng hoặc áp dụng cả hai, theo Công báo Chính phủ Liên bang.

Philippines

Đảo Luzon, chiếm 1/3 lãnh thổ Philippines và là nơi cư trú của một nửa dân số đất nước với hơn 100 triệu người, đang bị phong toả từ 16.3 đến 13.4.

Bộ trưởng Tư pháp Menardo Guevarra cảnh báo rằng những người vi phạm "nghiêm trọng" chống lại hoặc không tuân theo lực lượng thực thi sẽ phải đối mặt với cáo buộc và bắt giữ, với mức phạt không vượt quá 1.958 USD và phạt tù tới 6 tháng.

Tại thành phố Paranaque, các quan chức trừng phạt những người vi phạm lệnh giới nghiêm bằng cách bắt họ ngồi phơi nắng, theo tờ Straits Times.

Ấn Độ

Ngày 24.3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày từ 0h ngày 24.3 tới 15.4. Chính phủ đưa ra một số lệnh giới nghiêm đối với việc di chuyển, Sputnik đưa tin.

Những người mạo hiểm ra ngoài mà không có lý do chính đáng có thể bị bắt giữ, bị phạt tới 13 USD và bị bỏ tù tới 6 tháng, theo The Economic Times.

Indonesia

Tình trạng khẩn cấp quốc gia triển khai ở thủ đô Jakarta, trong đó cắt giảm giờ hoạt động đối với dịch vụ vận tải như xe lửa và xe buýt từ 23.3. Trung tâm giải trí, bao gồm quán bar, massage, trung tâm spa, rạp chiếu phim và quán bi-a bị đóng cửa.

Tổng thống Joko Widodo đã áp dụng các biện pháp duy trì khoảng cách xã hội, nhưng không tuyên bố đóng cửa thành phố 10 triệu dân cùng với nhiều người đi, đến thủ đô từ các thị trấn vệ tinh xung quanh. Thay vào đó, ông Widodo đã kêu gọi các công ty cho phép công nhân làm việc tại nhà. Không có hình phạt cho việc vi phạm.

PHƯƠNG LINH

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158