Điều khác biệt khiến Hội đồng Bảo an là cơ quan quyền lực nhất LHQ

Đã đăng vào 07/06/2019 lúc 14:36

Hôm nay (7.6), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp tại New York – Mỹ, sẽ tiến hành bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm các nước Châu Á-Thái Bình Dương tham gia ứng cử.

Một phiên họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN.

Hội đồng Bảo an là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Điều này được quy định trong đoạn 1 Điều 24, Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Theo Điều 4 và Điều 25 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của Hội đồng Bảo an. Các quyết định và nghị quyết của Hội đồng Bảo an, theo chương VII của Hiến chương, khi đã thông qua đều có tính ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

Trong khi đó, các quyết định của các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc chỉ mang tính khuyến nghị với chính phủ của các quốc gia thành viên.

Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ cùng 10 thành viên không thường trực.

Các thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu. 10 ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an được phân theo khu vực địa lý. Trong cuộc bỏ phiếu lần này, Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm các nước Châu Á-Thái Bình Dương tham gia ứng cử.

Trước khi ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 – 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7.2008 và tháng 10.2009.

Trong Hội đồng Bảo an, 15 nước thành viên (thường trực và không thường trực) đều nắm một lá phiếu. Tuy nhiên, chỉ 5 thành viên thường trực là có quyền phủ quyết.

Các quyết định về những vấn đề mang tính thủ tục cần đạt tối thiểu 9/15 phiếu ủng hộ của các thành viên, theo thủ tục hoạt động tạm thời của Hội đồng Bảo an. Đối với các quyết định về các vấn đề mang tính thực chất, cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng bảo an cần đạt tối thiểu 9 phiếu, trong đó không có bất kỳ phiếu phủ quyết nào của Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ.

Với trọng trách chính là duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ và biện pháp triển khai của Hội đồng bảo an trong các chương VI, VII và VIII.

Điển hình như theo Điều 33, Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; theo Điều 34 Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an đảm nhận việc điều tra các tranh chấp, tình huống để xác định có đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế hay không.

Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng có điều khoản quy định Hội đồng Bảo an sẽ đưa ra các khuyến nghị cách thức giải quyết nếu các bên đồng ý được ghi trong Điều 38.

THANH HÀ

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158