EU cấm Nga vận chuyển dầu bằng đường biển

Đã đăng vào 01/06/2022 lúc 10:47

Sau nhiều tuần đàm phán, 27 quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) hôm 30.5 đã nhất trí về việc chấm dứt vận chuyển dầu của Nga bằng đường biển. Việc phân phối bằng đường ống sẽ tiếp tục. Một số quốc gia cũng sẽ được gia hạn hoặc miễn trừ.

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel trong cuộc họp báo sau hội nghị đặc biệt của Hội đồng Châu Âu ở Brussels ngày 31.5.2022. Ảnh: AFP

Gói trừng phạt thứ 6 với Nga

Ngày 30.5, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu nhất trí cấm nhập khẩu hầu hết dầu từ Nga vào khối này trước cuối năm. Lệnh cấm vận trong gói trừng phạt Nga mới nhất của EU bao gồm dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển.

Theo AP, lệnh cấm vận lần này không áp dụng với dầu từ Nga vận chuyển bằng đường ống – yếu tố quan trọng khiến Hungary, quốc gia không giáp biển, ủng hộ. Lệnh cấm vận Nga của EU cần được tất cả 27 quốc gia thành viên đồng thuận. 

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, thỏa thuận có hiệu lực với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Bà Ursula Von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu chỉ ra, lệnh trừng phạt này sẽ "cắt giảm hiệu quả khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào EU trước cuối năm nay". 

Ông Michel thông tin thêm, các nhà lãnh đạo của khối cũng đồng ý cung cấp cho Ukraina khoản hỗ trợ trị giá 9 tỉ euro (9,7 tỉ USD) để giúp nền kinh tế của đất nước. Chưa rõ số tiền đó ở dạng tài trợ hay cho vay.

Gói trừng phạt mới với Nga cũng bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại với các cá nhân Nga. Ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, sẽ bị loại khỏi hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng toàn cầu SWIFT. EU trước đây đã loại một số ngân hàng nhỏ hơn của Nga khỏi hệ thống này. Trong gói trừng phạt mới, 3 đài truyền hình nhà nước lớn của Nga sẽ bị cấm phát sóng ở EU. Các biện pháp trừng phạt mới sẽ được thông qua về mặt pháp lý vào ngày 1.6.

Trong bài phát biểu qua video dài 10 phút với các nhà lãnh đạo EU ngày 30.5, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy nhấn mạnh, gói trừng phạt Nga của EU phải được thông qua, có hiệu lực và phải bao gồm trừng phạt dầu mỏ Nga. Đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Ukraina đề nghị khối 27 thành viên nhắm trừng phạt vào lĩnh vực năng lượng Nga. 

Vấn đề an ninh lương thực là nội dung được các nhà lãnh đạo EU thảo luận ngày 31.5, trong đó hối thúc chính phủ các nước đẩy nhanh tiến độ thực hiện "các làn đường đoàn kết" để giúp Ukraina xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm khác.

Giá dầu cao giúp Nga bớt thiệt hại

Trước lệnh cấm vận dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển ngày 30.5, EU đã áp đặt 5 vòng trừng phạt với Nga kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina. Các biện pháp trừng phạt của EU đã nhắm vào hơn 1.000 người, bao gồm các quan chức Nga, các doanh nhân, cũng như lĩnh vực ngân hàng, than đá…

Gói biện pháp thứ 6 dự kiến công bố ngày 4.5 bị lùi lại do lo ngại về nguồn cung. Hungary đã dẫn đầu một nhóm các nước EU,  bao gồm Slovakia, Cộng hòa Czech và Bulgaria, phản đối do lo ngại về tác động của lệnh cấm dầu với nền kinh tế. Hungary phụ thuộc rất nhiều vào Nga về năng lượng và không đủ khả năng để đoạn tuyệt hoàn toàn. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã làm rõ rằng ông chỉ có thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới nếu an ninh nguồn cung dầu của đất nước được đảm bảo. Hungary nhập hơn 60% dầu từ Nga và phụ thuộc vào dầu thô đi qua đường ống Druzhba từ thời Liên Xô. Ngoài nhu cầu về dầu mỏ Nga, Hungary còn nhận 85% khí đốt từ Nga.

Sự phản đối mạnh mẽ khiến EU phải giảm bớt quy mô của gói trừng phạt. Mục tiêu ban đầu của gói trừng phạt Nga thứ 6 của EU là loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô Nga trong vòng 6 tháng và ngưng nhập các sản phẩm dầu mỏ tinh chế Nga trước cuối năm nay. EU nhập khoảng 40% khí đốt và 25% dầu mỏ từ Nga. Ngày 30.5, cả ông Michel và bà von der Leyen đều cho biết các nhà lãnh đạo khối sẽ sớm tiếp tục trao đổi về các biện pháp trừng phạt nhằm cấm vận dầu mỏ Nga xuất qua đường ống. 

Các quan chức EU lưu ý, dầu của Nga vận chuyển bằng đường ống chiếm 1/3 lượng nhập khẩu của khối. Tuy nhiên, nếu Đức và Ba Lan giữ cam kết loại bỏ dầu của Nga trước cuối năm nay, thì Nga sẽ bán được lượng dầu ít hơn mức đó. 

Theo ước tính của Wednesday Group, nhóm chuyên gia theo dõi hoạt động bán năng lượng của Nga, bởi giá dầu tăng, Mátxcơva tiếp tục kiếm được số tiền bán nhiên liệu hóa thạch tương đương với trước khi chiến sự Ukraina bùng phát. Nhóm nhận thấy doanh thu từ năng lượng của Nga lên tới khoảng 1 tỉ USD hoặc hơn mỗi ngày.

Washington Post nhận định, việc EU quyết định chưa cấm ngay lập tức tất cả dầu mỏ Nga giúp Mátxcơva có thời gian để tìm khách hàng thay thế, trong đó Châu Á là thị trường triển vọng nhất. Tuy nhiên, sẽ rất khó để Nga tìm được khách hàng có nhu cầu ngang với EU. Hơn nữa, việc tổ chức lại hệ thống xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics ở London, Anh, nhận định, ​​xuất khẩu của Nga sẽ giảm khoảng 20% ​​trong năm nay. Theo ông, Liên minh Châu Âu có thể xử lý việc thoát năng lượng Nga “tương đối ổn” khi tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Dù vậy, giá dầu ở Châu Âu và các nơi khác vẫn sẽ ở mức cao. “Tác động toàn cầu của việc dầu Nga ít được đưa vào thị trường sẽ khiến giá tiếp tục tăng cao" – ông nói. Các chuyên gia cũng nhận định, ngay cả khi Nga bán dầu với giá thấp hơn, việc mặt bằng giá dầu thị trường thế giới cao cũng sẽ giúp Nga bớt thiệt hại. 

HẢI ANH

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158