Hàng triệu người Ấn Độ đối mặt với nạn đói trong dịch COVID-19

Đã đăng vào 27/04/2020 lúc 10:00

Hàng triệu người Ấn Độ bị thất nghiệp trong nhiều tuần đang phải đối mặt với nạn đói khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn bùng phát dịch bệnh COVID-19.

Tờ Sky News đưa tin, ngày 25.3, Ấn Độ bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc, làm ảnh hưởng trực tiếp tới những đối tượng dễ bị tổn thương, gồm người lao động theo ngày, lao động hợp đồng và nhập cư, khiến họ không có việc làm và thu nhập.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đưa ra số liệu phân tích cho thấy 130 triệu người trên toàn thế giới "có thể bị đẩy đến bờ vực nạn đói vào cuối năm 2020" do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Ở Gurgaon, ngoại ô thủ đô Delhi, Ấn Độ, hàng trăm người gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã đứng xếp hàng dưới trời nắng để chờ đợi được phát đồ ăn. 

Anh Mujibur, một trong số những người xếp hàng, có mặt để nhận bữa ăn nóng cho người vợ Mariam vừa sinh một bé trai trong thời gian phong tỏa. Lúc đó đã là quá trưa, và đây sẽ là bữa ăn đầu tiên trong ngày của cô và cũng là bữa tối. Cô Mariam cho biết: "Đó là một vấn đề lớn đối với tôi, không có thức ăn, không có tiền, tôi rất lo cho con tôi. Bất cứ thứ gì chúng tôi được nhận, sẽ là đồ ăn cho cả ngày hôm đó".

Trong nhiều tuần, họ đã không có bất kỳ công việc nào và tiền tiết kiệm cũng dần cạn kiệt. Việc phong tỏa đã tước đi tất cả, kể cả phẩm giá.

Họ là những người lao động, thợ xây, tài xế, người giúp việc, người dọn dẹp, bảo vệ và người bán rau phục vụ cho hàng nghìn ngôi nhà và căn hộ cao tầng rải rác trong thành phố, nhưng họ lại đang sống trong những nơi ở tạm bợ, các căn lều bằng tấm nhựa hoặc tre.

Cô Lalla Bai, một người lao động kiếm sống theo ngày, đã bỏ lại hai đứa con ở quê để đến đây kiếm sống. Nhưng trong giai đoạn này, cô tuyệt vọng cho biết: "Tôi đang bị bỏ đói nhưng cũng không thể quay về với các con mình. Tôi đang bị mắc kẹt".

Jamshed sống cùng vợ và bốn đứa con trong một căn phòng có mái che và ba mặt được làm bằng tấm thiếc. Là một người làm công kiếm ăn theo ngày, anh đến thành phố này ba tháng trước và đã hối hận về quyết định này vì hiện giờ thực phẩm là vấn đề lớn, không có tiền, anh chẳng thể mua bất cứ thứ gì.

Trong khi đó Tanuja, 36 tuổi, làm nghề dọn dẹp, đang rất suy sụp, nói: "Dịch bệnh này đã làm khổ chúng tôi. Tôi không có việc làm, không có thức ăn, không có tiền để trả tiền thuê nhà. Các con tôi ở quê và tôi phải gửi tiền cho chúng. Tôi không biết phải làm sao".

Các khu vực dùng chung cùng với điều kiện sống không hợp vệ sinh và thiếu đồ bảo hộ cá nhân đồng nghĩa với việc đại dịch có thể sẽ tàn phá cụm dân cư này.

Trong khu vực phi chính thức của những lao động theo ngày, lao động hợp đồng và nhập cư chiếm gần 81% dân số lao động của cả nước.

Chính phủ Ấn Độ đã thành lập hàng nghìn trại cứu trợ, nơi cung cấp thức ăn và chỗ ở miễn phí cho người nghèo và người di cư đang bị mắc kẹt. Một số cá nhân, tổ chức từ thiện cũng góp phần chung tay giúp đỡ.

Tuy nhiên, do số lượng áp đảo, không phải tất cả những người gặp khó khăn đều cùng lúc được nhận hỗ trợ.

BẢO CHÂU

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158