Mờ nhạt triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Đã đăng vào 10/10/2019 lúc 14:58

Ngay trước cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung diễn ra tại Washington trong hai ngày 10-11.10, Mỹ công bố danh sách trừng phạt nhằm vào hàng loạt công ty công nghệ và an ninh, đồng thời từ chối cấp visa cho một số quan chức Trung Quốc. Động thái này dự kiến sẽ phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng đầu tiên sau hơn 2 tháng qua.

Đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung nối lại vào ngày 10-11.10. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Trừng phạt

Bộ Thương mại Mỹ ngày 7.10 cho biết 28 đối tượng bị liệt vào danh sách trừng phạt của Washington, gồm cơ quan an ninh của chính quyền khu tự trị Tân Cương, 19 cơ quan chính phủ Trung Quốc và 8 cơ quan thương mại, trong đó có SenseTime, startup trí tuệ nhân tạo lớn nhất thế giới và Hikvision, nhà sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới.

Một ngày sau đó, ngày 8.10, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo từ chối cấp visa cho các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc giam giữ người Hồi giáo ở Tân Cương, động thái mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khuyến cáo rằng Washington cần phải ngừng can thiệp vào chuyện nội bộ của Bắc Kinh.

Bất chấp những diễn biến trên, một quan chức Mỹ cho biết, các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong ngày 10-11.10 vẫn diễn ra như dự kiến, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng Bắc Kinh muốn đạt thoả thuận, nhưng đó không thể là thoả thuận kiểu “anh thắng tôi thua”. Nhà ngoại giao này cho biết, điều quan trọng mà Mỹ phải chấp nhận sự khác biệt giữa hệ thống kinh tế của 2 quốc gia, đặc biệt là mô hình phát triển kinh tế nhà nước lãnh đạo của nhà nước Trung Quốc.

Cũng theo nhà ngoại giao, Trung Quốc phải bảo vệ chủ quyền và quyền phát triển kinh tế. Bắc Kinh đã thúc đẩy cải thiện các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, vì điều này là lợi ích của họ, nhưng ông cho rằng những cáo buộc của Mỹ về hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc là không công bằng.

Triển vọng về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cứ nay trồi mai sụt khi mà Tổng thống Donald Trump gạt bỏ ý kiến về một thoả thuận tạm thời, thì nay lại càng khó khăn hơn sau khi 2 bộ của Mỹ liên tục ra lệnh chế tài Trung Quốc. Những thực thể trong danh sách trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ sẽ bị cấm mua các thiết bị và linh kiện của các công ty Mỹ khi chưa được sự cho phép của chính phủ Mỹ, giống như trừng phạt mà Washington áp đặt với công ty công nghệ Huawei trước đó. Theo Bloomberg, Mỹ còn đang tiến tới các cuộc thảo luận về những hạn chế đối với dòng vốn vào Trung Quốc, mà trọng tâm là các khoản đầu tư bằng quỹ hưu trí của chính phủ Mỹ.

Ít kỳ vọng

Các biện pháp thuế quan trả đũa mà Mỹ và Trung Quốc trừng phạt lẫn nhau đã làm chao đảo thị trường tài chính và làm chậm lại dòng vốn đầu tư và thương mại. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra cảnh báo nghiêm túc về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu, nói rằng sự giảm tốc có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu không có hành động để giải quyết các xung đột thương mại và hỗ trợ tăng trưởng. “Chúng ta đang giảm tốc và chưa dừng lại nhưng điều đó chưa tệ bằng việc nếu không hành động, chúng ta có nguy cơ bị chậm lại ngày càng lớn” – bà Georgieva, người mới nhậm chức Tổng giám đốc IMF trong tháng này nói.

Đàm phán thương mại sẽ diễn ra trước thời hạn Mỹ áp tăng thuế đối với 250 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc từ 25% lên 30% chỉ vài ngày. Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo sẽ nâng thuế vào ngày 15.10 nếu đàm phán không có tiến triển. Tổng thống Mỹ đã đưa ra đợt áp thuế mới sau các cuộc đàm phán thất bại hồi tháng 7, theo đó không dẫn đến thoả thuận Trung Quốc mua nông sản Mỹ. Bắc Kinh cũng nhanh chóng đáp trả bằng việc tăng thuế với hàng hoá của Washington.

Không có dấu hiệu tích cực nào cho cuộc đàm phán sắp tới, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ rơi vào xung đột thương mại không giới hạn, ý kiến đang ngày càng được nhiều người chấp nhận. “Tôi có thể cảm thấy xã hội Trung Quốc có ít kỳ vọng rằng vòng đàm phán mới sẽ có đột phá thực sự. Hầu hết mọi người nghĩ rằng các đợt thương chiến/ đàm phán luân phiên sẽ là tình trạng bình thường giữa Mỹ và Trung Quốc” – Hồ Tích Tiến, biên tập viên của tờ báo nhà nước Thời báo Hoàn cầu viết trên Twitter.

KHÁNH MINH

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158