Nền kinh tế lớn nhất EU đối mặt làn sóng phá sản vì trừng phạt Nga

Đã đăng vào 09/05/2022 lúc 10:39

Các biện pháp trừng phạt Nga mạnh tay đang gây chấn động tài chính cho Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.

Đức không chỉ mua khí đốt, dầu mỏ và than đá từ Nga mà còn mua các nguyên liệu thô khác. Ảnh: AFP

Theo ông Manfred Knof, giám đốc điều hành của Commerzbank, Đức sẽ phải hứng chịu làn sóng phá sản do các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến Ukraina.

“Nguồn cung năng lượng ở Đức đang gặp rủi ro, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, chúng tôi có lạm phát cao” – nhật báo Handelsblatt trích lời ông Knof.

Theo vị giám đốc điều hành, gần 1/3 hoạt động ngoại thương của Đức đã bị ảnh hưởng, buộc các công ty phải giải quyết các vấn đề phức tạp với khách hàng, bao gồm giá hàng hóa tăng cao và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Knof nói: “Chúng ta không nên tự huyễn hoặc mình: Số lượng các vụ vỡ nợ trên thị trường của chúng ta có thể sẽ tăng lên và các ngân hàng phải dự phòng rủi ro”.

Theo một cuộc khảo sát của Viện Ifo có trụ sở ở Munich, các ngành công nghiệp của Đức đang vật lộn để thay thế hàng nhập khẩu của Nga. Kết quả khảo sát cho thấy gần 14% công ty công nghiệp của Đức “không thể" thay thế nguồn cung cấp từ Nga, Belarus và Ukraina, hơn 16% công ty công nghiệp khác “không khả thi về mặt kinh tế” để thay thế nguồn cung.

Các công ty công nghiệp của Đức đang nhận thấy rằng “không thể” hoặc “không hiệu quả về mặt kinh tế” và “chỉ có thể một phần” để thay thế hàng nhập khẩu từ Nga, Belarus và Ukraina, vốn đã bị dừng lại do xung đột ở Ukraina và việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Mátxcơva và Minsk – theo kết quả thăm dò của Viện Ifo

Cụ thể, khi được hỏi liệu có thể thay thế hàng nhập khẩu từ các quốc gia nói trên hay không, 13,8% công ty Đức được hỏi cho biết “điều này hoàn toàn không thể thực hiện được”. 16,3% khác chỉ ra rằng việc tìm kiếm các nguồn cung cấp khác là “không hiệu quả về mặt kinh tế”.

Nhập khẩu của Đức từ Nga đạt gần 30 tỉ USD vào năm 2021. Ảnh: AFP

43,4% công ty thú nhận rằng việc thay thế giao hàng từ Nga và các nước láng giềng sẽ “chỉ có thể thực hiện được một phần”. Chỉ 13,8% nói rằng tình huống này sẽ không gây ra vấn đề gì cho họ.

Con số thậm chí còn tồi tệ hơn trong lĩnh vực bán buôn khi 17,3% doanh nghiệp khẳng định rằng không thể đối phó với các mặt hàng nhập khẩu bị trừng phạt và chỉ 7,4% nói rằng họ sẽ có thể nhanh chóng tìm được nguồn giao hàng mới, theo cuộc thăm dò ý kiến.

Nhà nghiên cứu Klaus Wohlrabe của Ifo cho biết, thay đổi nguồn cung ứng là vấn đề đau đầu của nhiều công ty, đồng thời chỉ ra rằng chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất đã được thử nghiệm trong nhiều năm thường không thể được tổ chức lại trong một sớm một chiều.

Các số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy nhập khẩu của Đức từ Nga đạt gần 30 tỉ USD vào năm ngoái. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết con số này tăng vọt hơn 54% so với năm 2020.

Đức không chỉ mua khí đốt, dầu mỏ và than đá từ Nga mà còn mua các nguyên liệu thô như niken, palladi, đồng và crom và nhiều mặt hàng khác.

Tuy nhiên, những đợt giao hàng này đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nghiêm khắc mà EU, Mỹ và một số quốc gia khác áp dụng đối với Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2.

Các biện pháp trừng phạt cũng khiến dự trữ vàng và ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga và nhiều tổ chức, cá nhân khác bị đóng băng, khiến Nga tách rời khỏi thị trường tiền tệ do đồng USD và đồng Euro thống trị, chuyển sang đồng rúp, và một loạt các doanh nghiệp nước ngoài ngừng kinh doanh với nước này.

Trong khi đó EU đã đề xuất gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga. Trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ngày 8.5, lãnh đạo các nước G7 cam kết sẽ cấm nhập khẩu hoặc chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ Nga "một cách có trật tự" và "theo một cách giúp thế giới có thời gian tìm được nguồn cung thay thế". Dự kiến, biện pháp này sẽ có hiệu lực trong vòng 9 tháng, với khung thời gian khác nhau đối với các sản phẩm dầu mỏ khác nhau.

Một số quốc gia EU bao gồm Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech đang xin miễn trừ lệnh cấm.

SONG MINH 

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158