Nước nào có khả năng sẽ là điểm nóng COVID-19 tiếp theo?

Đã đăng vào 12/05/2020 lúc 15:23

Mỹ và một số nước Châu Âu, gần đây nhất là Nga là những điểm nóng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi số ca mắc COVID-19 cao kỉ lục. Tiếp sau sẽ đến các quốc gia nào?

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ ở khu vực chăm sóc tích cực của một bệnh viện tại Roma, Italia – điểm nóng COVID-19 ở Châu Âu. Ảnh: AFP

Sky News dẫn nguồn tin từ tiến sĩ Samir Bhatt – giảng viên cao cấp tại Đại học Hoàng gia London, cố vấn cho Chính phủ Anh về ứng phó COVID-19, cho biết, không có công thức toán học để xác định quốc gia nào có thể trở thành điểm nóng mới trong cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu. Nhưng một số yếu tố có thể giúp xác định các quốc gia nơi có thể sẽ xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng nhất.

Bước đầu tiên là hiểu rõ tốc độ gia tăng dịch bệnh ở đất nước đó.

Một phân tích về số lần tăng gấp đôi các ca nhiễm trên khắp thế giới cho thấy các ca nhiễm virus đang tăng nhanh ở các quốc gia Trung Phi, Mỹ Latinh và Nam Á.

Trong một đợt dịch bệnh, điều quan trọng là phải biết "tốc độ tăng trưởng" – cho thấy số lượng ca bệnh đang tăng nhanh như thế nào. Ngay cả khi số lượng các ca nhiễm hoặc tử vong ở một quốc gia còn ít, tốc độ tăng trưởng nhanh có nghĩa là những con số sau đó có thể sẽ tăng lên rất nhanh. Năng lực xét nghiệm của các quốc gia cũng cần phải được xem xét.

"Xét nghiệm là việc cần thiết phải thực hiện sớm để có thể xử lý kịp thời và truy vết các trường hợp tiếp xúc để giảm lây truyền", tiến sĩ Bhatt cho biết.

Ông tiếp tục lí giải: "Tỉ lệ tử vong thấp ở các nước đang phát triển có nhiều lý do khác nhau giữa các quốc gia, bao gồm cả sự khởi phát muộn của dịch, cách báo cáo khác nhau và các cách can thiệp khác nhau".

Một biện pháp tốt hơn để đánh giá tác động của COVID-19 là xem xét con số tử vong quá lớn so với số tử vong trung bình của quốc gia đó.

Hiện tại rất khó để ước tính, nhưng một số phân tích trên khắp Châu Âu đã chỉ ra rằng số ca tử vong bổ sung cao hơn số ca tử vong liên quan đến COVID-19. Đây cũng là trường hợp ở nhiều nước trong khu vực đang phát triển.

Lấy ví dụ ở Peru, các trường hợp tử vong ở nước này trong tháng 4 nhiều hơn 2.248 ca so với cùng kì năm trước, nhưng chỉ một nửa được ghi nhận là do COVID-19 gây ra. Nửa còn lại không có nguyên nhân. 

Con số tử vong quá lớn đã được báo cáo tương tự ở các quốc gia bị ảnh hưởng xấu khác.

Tiến sĩ Michael Tildesley, giáo sư tại trường đại học Warwick, cho biết: "Vẫn chưa chắc chắc về số người có khả năng tử vong ở Châu Phi do hậu quả của đại dịch… Tuy nhiên, có một số lo ngại về năng lực tương đối thấp của các hệ thống y tế ở Châu Phi khi so sánh với châu lục khác".

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về tác động tàn phá mà COVID-19 có thể gây ra đối với các quốc gia này và cho biết nghèo đói có thể sẽ gia tăng lần đầu tiên kể từ năm 1990.

Một nghiên cứu từ Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London cũng cho thấy tốc độ lây nhiễm vẫn còn cao ở các quốc gia thuộc các khu vực đang phát triển.

PHƯƠNG LINH

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158