“Siêu lây nhiễm” và các ca COVID-19 lạ thường gây bối rối khác

Đã đăng vào 13/04/2020 lúc 15:34

Khi đại dịch COVID-19 lây lan khắp thế giới, các nhà khoa học đang trăn trở với câu hỏi: Tại sao có những người lây nhiễm cao hơn những người khác?

Một sự kiện siêu lây nhiễm xảy ra vào cuối tháng 2 khi 175 giám đốc điều hành của Biogen dự hội nghị tại khách sạn Boston Marriott Long Wharf, Mỹ. Ảnh: NYT.

Theo New York Times, câu trả lời là có – có những người dường như "siêu lây nhiễm" – những người lây lan virus cho cho số lượng lớn người khác. Câu hỏi đặt ra là liệu đó có thể là hệ quả về di truyền, thói quen xã hội hay chỉ đơn giản là không may có mặt tại một địa điểm vào sai thời điểm. 

Những người mang virus này ở trung tâm của hiện tượng gọi là "các sự kiện siêu lây nhiễm" có thể dẫn tới và giả định là dẫn tới đại dịch, theo các nhà nghiên cứu.

Do vậy, họ trở thành yếu tố quan trọng để tìm ra cách thức xác định các sự kiện siêu lây nhiễm hoặc để ngăn chặn các tình huống như các phòng đông người, nơi siêu lây nhiễm có thể xảy ra.

Ở một thái cực khác quan trọng và cũng gây bối rối không kém, có những người bị nhiễm bệnh nhưng không có khả năng lây nhiễm. 

Phân biệt giữa những người dễ lây nhiễm hơn và những người ít lây nhiễm hơn có thể tạo ra một sự khác biệt to lớn trong giảm nhẹ dịch bệnh cũng như kiềm chế tốc độ của dịch bệnh, Jon Zelner – nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan, Mỹ, cho biết.

Nếu người nhiễm bệnh là một siêu lây nhiễm, việc lần tìm các tiếp xúc đặc biệt quan trọng. Nhưng ngược lại, nếu một người mang virus nhưng không lây nhiễm virus, lần tìm có thể là nỗ lực vô ích.

Martina Morris, giáo sư danh dự về thống kê và xã hội học tại Đại học Washington cho biết có hai yếu tố đang diễn ra. "Phải có một mối liên kết giữa những người này để truyền nhiễm" nhưng một liên kết là "cần nhưng chưa đủ", bà nói. Yếu tố thứ hai là mức độ lây nhiễm của một người. "Chúng ta gần như không bao giờ có dữ liệu độc lập về hai điều đó" – bà nói. 

Bà chỉ ra rằng có thể dễ quy kết sai về sự lây lan dịch bệnh của một cá nhân nhiễm bệnh. "Nếu bạn là người đầu tiên trong một căn phòng đông người bị nhiễm bệnh, và nếu đây là một căn bệnh dễ lây lan, bạn sẽ bị xem như một siêu lây nhiễm. Bất cứ ai trong căn phòng đó cũng có thể là một siêu lây nhiễm tương tự. Bạn chẳng qua chỉ là người đầu tiên trong danh sách" – bà nói. 

Tiến sĩ Thomas Frieden – cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và Giám đốc điều hành tại Resolve to Save Live – một sáng kiến của Vital Strategies cho hay, với COVID-19, vẫn chưa biết liệu những người lây nhiễm cao có bao gồm các cá nhân lây nhiễm thầm lặng – những người không biết mình có mang virus hay không. 

Thêm vào đó, theo ông, các sự kiện siêu lây nhiễm có khả năng liên quan đến những người có triệu chứng kéo dài nhưng không đủ ốm nặng để phải nghỉ ở nhà. Hoặc, các sự kiện này có thể liên quan tới những người đã bung ra một lượng virus bất thường – một yếu tố vẫn chưa được nghiên cứu kỹ, có thể là do sự thay đổi lượng virus trong các giọt bắn khí dung từ các cơn ho của bệnh nhân hoặc lượng virus truyền nhiễm trong phân chẳng hạn. 

Bất kể nguyên nhân là gì, các biện pháp y tế công như tránh đám đông… có thể ngăn chặn một sự kiện siêu lây nhiễm, ông nói. 

Trong lịch sử y tế, đã có những câu chuyện về các hiện tượng siêu lây nhiễm trong các dịch bệnh như lao, sởi và các bệnh khác. Siêu lây nhiễm cũng đóng vai trò quan trọng trong đợt bùng phát hai dịch bệnh liên quan tới các chủng khác của virus Corona là SARS và MERS. 

"Siêu lây nhiễm" cũng được cho là đã thúc đẩy bùng phát dịch COVID-19, theo New York Times. 

Một sự kiện siêu lây nhiễm xảy ra vào cuối tháng 2 khi 175 giám đốc điều hành của Biogen dự hội nghị tại khách sạn Boston Marriott Long Wharf, Mỹ. Ít nhất một người đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Hai tuần sau, 75% trong số 108 cư dân Massachusetts bị nhiễm virus có liên quan đến Biogen. Các ca nhiễm bệnh sau đó từ tới các tiểu bang khác và các cư dân Massachusetts khác.

Ngược lại, cũng trong đại dịch COVID-19, một cặp vợ chồng ở Illinois trở thành ví dụ cho trường hợp còn lại. Vào ngày 23.1, người vợ trở về sau chuyến thăm Vũ Hán, Trung Quốc, trở thành ca COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại bang này. Đến 30.1, chồng cô bị nhiễm bệnh. Đó là ca lây truyền đầu tiên từ người sang người được biết đến ở Mỹ. Hai vợ chồng đều bị bệnh nặng và phải nhập viện. Cả hai sau đó đều bình phục. Các quan chức y tế bang cũng lần tìm những tiếp xúc của họ – tổng số 372 người, gồm 195 nhân viên y tế. Tuy nhiên, không một ai bị nhiễm bệnh.

THANH HÀ

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158