Thêm những phát hiện về SARS-CoV-2

Đã đăng vào 16/08/2020 lúc 10:58

Khảo sát trên 5.449 người nhập viện vì SARS-CoV-2, Northwell Health – hệ thống chăm sóc sức khỏe ở New York, Mỹ – thấy có tới 36,6% bị suy thận cấp (STC), tức gần 2.000 người và 15% trong số này suy thận trầm trọng đến mức phải lọc máu.

SARS-CoV-2 hoạt động kỳ lạ không theo các quy tắc về dịch tễ học và sinh bệnh học truyền thống. Ảnh: Scitechdaily

Gây suy thận cấp

STC là tình trạng thận đột ngột suy giảm hoặc mất khả năng thải trừ chất độc nội sinh (do chuyển hóa cơ bản) và ngoại sinh (độc tố của mầm bệnh) ra khỏi cơ thể. Trong số các bệnh nhân nghiên cứu, các bác sĩ (BS) nhận thấy tình trạng STC xảy ra khi người bệnh SARS-CoV-2 trở nặng, với khoảng 90% bệnh nhân dùng máy thở. Những bệnh nhân SARS-CoV-2 tuổi cao, có bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường… dễ tiến triển đến STC.

Có hai nhóm nguyên nhân dẫn đến STC là tại thận (tổn thương mô do các bệnh của thận) và ngoài thận (hay trước thận, do các bệnh ngoài thận (NT), không tổn thương mô thận) thì những bệnh nhân này thuộc nhóm nguyên nhân ngoài thận. STC NT chiếm 50 – 60% tổng số STC và do giảm khối lượng tuần hoàn qua thận như như mất máu, mất nước, mất muối; giãn mạch hệ thống khi sốc; nhiễm trùng; hẹp động, tĩnh mạch thận; phình động mạch chủ bụng dẫn đến tắc mạch thận do huyết khối; đôi khi là kẹp (một phần) động mạch chủ bụng trong phẫu thuật (mục đích làm giảm chảy máu nhưng gây hậu quả thiếu máu thận); hội chứng gan – thận: Suy giảm chức năng thận cấp tính do nhiều bệnh gan STC NT có thể diễn ra rất nhanh, chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày, có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu chẩn đoán sớm, điều trị đúng, STC NT có thể chữa khỏi hoàn toàn, chức năng thận phục hồi như bình thường. 

BS Kenar Jhaveri – người phụ trách khảo sát – đánh giá: STC NT không phải là tình trạng đặc thù của bệnh do SARS-CoV-2, nó thường xảy ra khi mắc nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, biết được tỉ lệ bệnh nhân có nguy cơ STC NT sẽ giúp các BV chuẩn bị sẵn sàng lực lượng nhân viên và thiết bị điều trị STC ngay trước mắt hoặc bùng phát các đợt dịch tương lai. BS Michele Mokrzycki – Trung tâm Y tế Montefiore, ở New York – cho biết, các ca STC do SARS-CoV-2 tăng đột biến, làm dịch vụ lọc máu trong các bệnh viện (BV) New York rất khó khăn, đã xảy ra khủng hoảng thiếu thiết bị vào tháng 4 và các BS đã phải áp dụng một số giải pháp tình thế. Vì thế, phát hiện của khảo sát này tuy không mới nhưng rất có ý nghĩ thực tế với điều trị.

Phân loại 6 nhóm triệu chứng ở bệnh nhân SARS-CoV-2 

Các nhà nghiên cứu ở Đại học (ĐH) Hoàng gia London, Anh, nghiên cứu dữ liệu của 1.600 bệnh nhân Anh và Mỹ thường cập nhật triệu chứng của họ trên ứng dụng “Theo dấu dữ liệu SARS-CoV-2”. Họ dựa trên các triệu chứng có ở từng bệnh nhân như ho, sốt, mất khứu giác… để xếp các bệnh nhân SARS-CoV-2 vào từng nhóm có mức độ triệu chứng như nhau, từ nhẹ đến nặng và đối chiếu với kết quả điều trị, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với mức độ triệu chứng nặng, nhẹ rất hiệu quả. Có 6 nhóm triệu chứng được phân loại theo mức độ tăng nặng dần là:

1. Giống cúm, không sốt: Đau đầu, mất khứu giác, đau cơ, ho, đau họng, đau ngực, không sốt.

2. Giống cúm, sốt: Đau đầu, mất khứu giác, ho, đau họng, khàn tiếng, chán ăn, sốt.

3. Có triệu chứng đường ruột: Đau đầu, mất khứu giác, chán ăn, đau họng, đau ngực, không ho, tiêu chảy.

4. Bệnh nặng cấp độ một: Đau đầu, mất khứu giác, ho, sốt, mệt mỏi, khàn giọng, đau ngực.

5. Bệnh nặng cấp độ hai: Đau đầu, mất khứu giác, chán ăn, ho, sốt, khàn giọng, đau họng, đau cơ, đau ngực, mệt mỏi, lú lẫn.

6. Bệnh nặng cấp độ ba: Đau đầu, mất khứu giác, chán ăn, ho, sốt, khàn giọng, đau ngực, mệt mỏi, lú lẫn, đau cơ, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn hô hấp: khó thở.

Thực tế, từ nhóm 1 – 3 chỉ có dưới 5% bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp. Ở nhóm 4 và 5, khoảng 9 – 10% bệnh nhân cần trợ thở. Nhóm 6, nghiêm trọng nhất, có gần 20% người bệnh phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ hô hấp. Bệnh nhân trong nhóm này thường là những người cao tuổi, có bệnh nền, hệ miễn dịch suy yếu. Tổng kết này giúp các BS sau khi xắp xếp, phân loại theo nhóm triệu chứng, có thể điều trị cho từng ca bệnh tốt hơn do đã định hình sẵn bệnh nhân trong nhóm cần mức độ chăm sóc như thế nào. “Tôi nghĩ đúc kết này rất thú vị. Trong số những bệnh nhân SARS-CoV-2, mỗi người có những triệu chứng khác nhau, người sốt, người không, người buồn nôn và nôn, số khác bị tiêu chảy”. “Tôi thấy công việc dễ dàng hơn nhiều khi xác định được 6 nhóm triệu chứng, nó còn giúp cho tiên lượng bệnh” – BS Bob Lahita, ở BV ĐH St. Joseph, California, Mỹ, nói.

Đã biết nguyên nhân mất khứu giác do SARS-CoV-2

Các chuyên gia ở BV nghiên cứu Milan, Italia và BV trẻ em ở Boston, Mỹ đã chụp cộng hưởng từ (MRI) não một nữ kỹ thuật viên X-quang 25 tuổi. Trước khi làm việc trong khu chăm sóc bệnh nhân SARS-CoV-2, nữ nhân viên này hoàn toàn khỏe mạnh. Một ngày, cô ho khan, nhưng hết ho vào hôm sau, nhưng xung quanh cô hình như chẳng có mùi gì và mọi thứ cô ăn, uống đều chẳng có vị gì. Cô không sốt và thấy rất ổn ngoài mất khứu và vị giác. Ba ngày sau khi bị mất khứu giác, các BS khám phổi và mũi cô nhưng không thấy gì bất thường, họ quyết định chụp MRI não. Trên film thấy hồi (phần trong một thùy não) trán lên của thùy trán não và hành khứu – (hai định khu giải phẫu này nằm sát xương đáy sọ, ngay trên trần hốc mũi) tăng đậm (tăng mức độ cản quang). Hành khứu là nơi tập trung lại của các sợi thần kinh khứu giác (chính là dây thần kinh trung ương số 1) – có đầu ngọn ở vùng khứu niêm mạc mũi – tiếp nối với các tế bào thần kinh của hệ thống khứu giác (khứu não) mà hành khứu là một phần trong đó. Tăng đậm ở hai định khu này tức là mô não bị viêm nhiễm làm các BS nghĩ đến tác nhân SARS-CoV-2 nên ngay lập tức cô gái được xét nghiệm và kết quả là dương tính. 28 ngày sau, chụp lại MRI thấy hồi trán lên và hành khứu đã giảm đậm độ (còn viêm nhẹ), phù hợp với tình trạng khứu giác của nhân viên này đang hồi phục. Các thống kê thế giới chưa ghi nhận ca nào mất mùi vĩnh viễn, nghĩa là tổn thương do SARS-CoV-2 gây ra ở hệ thống khứu não chỉ nhất thời. Đây là ca đầu tiên được các BS chứng minh do SARS-CoV-2 xâm nhập não trên người sống, góp thêm bằng chứng cho nghiên cứu trên tử thi và động vật trước đây. Khi chụp MRI não của hai bệnh nhân SARS-CoV-2 khác có triệu chứng mất mùi, các BS lúng túng vì không thấy thay đổi tương tự như ở não cô gái nói trên? Tuy nhiên, nghi ngờ nhanh chóng được giải tỏa: Khi mắc các bệnh về mũi mà rõ nhất là do một số loại virus, đặc biệt là cúm, niêm mạc mũi bị tổn thương gồm cả các ngọn thần kinh khứu giác gây ra loạn hay mất mùi, tuy khứu não không bị tổn thương, những trường hợp này SARS-CoV-2 không xâm nhập não mà chỉ làm tổn thương niêm mạc mũi, một trong những nơi virus này trú ngụ.

Rụng tóc khi khỏi bệnh

Khảo sát trên 1.100 người bệnh SARS-CoV-2 thấy, hiện tượng khá phổ biến là rụng nhiều tóc. Hiện các cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh vẫn chưa công nhận đây là triệu chứng do SARS-CoV-2, tuy có tới 27% người bệnh gặp phải tình trạng này. Bình thường, mỗi ngày một người rụng khoảng 30 – 100 sợi tóc, nên rụng quá nhiều tóc làm những người khỏi SARS-CoV-2 lo lắng, cho dù đã âm tính hoàn toàn. BS Michele S. Green – BV Lenox Hill, ở New York, Mỹ – cho hay, khi phòng khám mở cửa trở lại sau giãn cách, rất đông bệnh nhân tới điều trị rụng tóc. “Họ đều là những người khỏi bệnh SARS-CoV-2 và mang tới có khi cả túi tóc giống như để cả một mái tóc trong đó. Họ nói đã từng bị ốm rất nặng và sốt cao, nhưng chưa bao giờ rụng tóc nhiều như vậy”.

Thông thường, tóc sẽ rụng nhiều hơn sau phẫu thuật; chấn thương; sang chấn tâm lý (stress) kéo dài; sốt cao; giảm cân; thay đổi chế độ ăn; thiếu, mất máu; thiếu hụt sắt; bệnh tuyến giáp, buồng trứng đa nang, viêm nhiễm da đầu, tiểu đường, bệnh tự miễn; dùng một số loại thuốc và nhuộm tóc… Những nguyên nhân này làm tóc ngừng tăng trưởng và rụng, có thể mất tới 50% tóc vì những nguyên nhân nói trên, song thường chỉ xảy ra trong khoảng 6 tháng và tóc mọc dày trở lại nếu còn trẻ và giải quyết được nguyên nhân gây rụng. Y học vẫn chưa biết vì sao cùng những nguyên nhân trên, có người rụng tóc có người không và phỏng đoán do gene.

Các BS cho rằng SARS-CoV-2 có thể không trực tiếp gây rụng tóc. Hiện tượng này có khả năng do bệnh nhân phải chống chọi với sốt cao và các triệu chứng nghiêm trọng khác.

BS BÌNH NGUYÊN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158