Thượng đỉnh G7 nóng với thương mại, Brexit và cháy rừng Amazon

Đã đăng vào 27/08/2019 lúc 9:06

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 khai mạc vào tối 24.8 (giờ địa phương) tại khu nghỉ dưỡng Biarritz, Pháp, giữa những căng thẳng về thương mại toàn cầu, vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit) và cháy rừng Amazon.

Một góc rừng Amazon bị cháy ở Iranduba, Brazil, ngày 20.8.2019. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ nhà hội nghị Thượng đỉnh G7, đã lên kế hoạch chương trình nghị sự cho hội nghị kéo dài 3 ngày như một cơ hội để tập hợp tiếng nói chung của nhóm 7 nước phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong một đánh giá ảm đạm về mối quan hệ giữa các đồng minh từng có quan hệ thân thiết, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nói rằng G7 ngày càng khó tìm được điểm chung.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Pháp một ngày sau khi đáp trả đợt thuế quan mới của Trung Quốc bằng thông báo sẽ tăng mức thuế hiện tại đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỉ USD lên mức 30% từ mức 25% hiện thời bắt đầu từ ngày 1.10 tới. Đồng thời, ông Trump cũng thông báo tăng thuế vốn đã được lên kế hoạch với hàng hoá còn lại trị giá 300 tỉ USD của Trung Quốc lên mức 15% từ mức 10%. Động thái này diễn ra vài giờ sau khi Trung Quốc công bố các mức thuế trả đũa mới nhất nhắm vào hàng hoá trị giá khoảng 75 tỉ USD của Mỹ.

Với Pháp, việc ông Trump hôm 25.8 nhấn mạnh tới mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Pháp, và rằng “giữa tôi và nhà lãnh đạo Pháp thực sự có rất nhiều điểm chung và có mối quan hệ tốt”, thì vẫn không khó để nhận thấy cách tiếp cận đối nghịch của ông Trump và Macron đối với nhiều vấn đề, trong đó có chủ nghĩa bảo hộ và thuế.

Một vấn đề đáng chú ý khác của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay là sự rạn nứt sâu sắc của các nước Châu Âu về việc Anh rời khỏi EU và sự xuất hiện lần đầu tiên của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Thực tế mới mà Anh phải đối mặt với Brexit là ảnh hưởng đang bị suy giảm của nước này ở Châu Âu và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Mỹ. Thủ tướng Johnson muốn cân bằng giữa việc vừa không xa lánh các đồng minh Châu Âu vừa không chọc giận Mỹ bởi có thể gây nguy hiểm cho các mối quan hệ thương mại Anh-Mỹ trong tương lai. Ông Johnson và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã tranh cãi trước hội nghị thượng đỉnh về việc ai sẽ là người bị đổ lỗi nếu Anh rời khỏi EU vào ngày 31.10 mà không có thoả thuận. “Tôi vẫn hy vọng Thủ tướng Johnson sẽ không đi vào lịch sử với tư cách là Mr No Deal – người không thoả thuận” – Reuters dẫn lời ông Tusk nói. Trong khi đó, ông Johnson tuyên bố kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng trước rằng ông sẽ đưa Anh rời khỏi EU vào ngày 31.10 dù có hay không có thoả thuận.

Một vấn đề nổi cộm khác mà hội nghị Thượng đỉnh G7 phải đối mặt là cách thức giải quyết tình trạng cháy rừng trầm trọng ở rừng nhiệt đới Amazon, bởi đây không còn là chuyện nội bộ của Brazil – nước chiếm 60% diện tích rừng Amazon – hay các nước Nam Mỹ nói chung, mà đã trở thành vấn đề khẩn cấp của quốc tế.

Ngày 23.8, một ngày trước lễ khai mạc thượng đỉnh G7, Tổng thống Pháp đã phản đối thỏa thuận tự do thương mại giữa EU và khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay) được ký vào cuối tháng 6.2019 sau 20 năm đàm phán. Pháp đã đặt điều kiện chỉ thông qua thỏa thuận trên nếu Brazil tôn trọng những cam kết về môi trường được hai bên thảo luận tại thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.2019. Trước tình trạng cháy rừng nghiêm trọng ở Amazon, ông Macron cho rằng Brazil đã “không có những biện pháp kịp thời”, đồng thời cáo buộc Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro “nói dối” về những cam kết vì môi trường.

Tuy nhiên, phía chính phủ Đức không đồng tình với quyết định của Tổng thống Pháp, dù trước đó, Đức đã ngừng viện trợ cho dự án bảo tồn rừng Amazon vì nạn phá rừng tại Brazil.

NGỌC VÂN

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158