Tiếp cận mềm để hóa giải cực đoan

Đã đăng vào 31/12/2019 lúc 10:27

Trong vài năm qua, Indonesia phải chứng kiến một loạt vụ tấn công khủng bố liên quan tới chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Trước nguy cơ này, các tổ chức xã hội Indonesia thực hiện cách tiếp cận mềm bằng việc tiến hành hòa giải các cựu khủng bố và nạn nhân để cố gắng thay đổi thái độ cực đoan trong cộng đồng của họ.

Một vụ tấn công khủng bố tại Indonesia

Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới và trong vài năm qua, nước này phải chứng kiến một loạt vụ tấn công khủng bố liên quan tới chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Giới chức Indonesia ước tính, hiện tại nước này có khoảng 1.200 đối tượng cực đoan vẫn đang hoạt động ngoài vòng pháp luật và thực hiện các vụ tấn công.

Đặc biệt, trong số những nghi can khủng bố bị bắt giữ thời gian qua, có nhiều kẻ là những tay súng thánh chiến trở về từ Iraq và Syria sau khi tham gia hàng ngũ IS. Những đối tượng này khá dày dạn chiến trường và có kinh nghiệm chế tạo bom. Không chỉ vậy, thời gian gần đây, những vụ khủng bố tại Indonesia đang diễn biến vô cùng phức tạp, khi các đối tượng thực hiện nhiều vụ khủng bố theo những hình thức đa dạng và khó lường.

Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, các đối tượng xấu đã lợi dụng mạng xã hội để gieo rắc tư tưởng cực đoan đối với phụ nữ, khiến họ trở thành thủ phạm thực hiện những hành vi khủng bố.

Trước nguy cơ này, ngoài việc tăng cường sức mạnh cho các lực lượng an ninh từ phía chính phủ, các tổ chức xã hội Indonesia còn thực hiện cách tiếp cận mềm bằng việc tiến hành hòa giải các cựu khủng bố và nạn nhân để cố gắng thay đổi thái độ cực đoan trong cộng đồng của họ.

Thời gian qua, đã có một liên minh ngày càng lớn của những kẻ khủng bố và nạn nhân trước đây tập hợp lại dưới sự hướng dẫn của một nhóm các nạn nhân của tấn công khủng bố. 49 nạn nhân và 6 cựu chiến binh cực đoan thông qua Liên minh vì một Indonesia hòa bình (AIDA) cùng hòa giải và tổ chức các hoạt động viếng thăm khoảng 150 trường học ở các vùng của Indonesia được gọi là điểm nóng cho các nhà tuyển dụng cực đoan, chia sẻ câu chuyện của họ với hơn 8.000 học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, các sáng kiến nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong đảm bảo hòa bình cũng đã và đang được triển khai tại quốc gia Hồi giáo này. Một trong những sáng kiến như vậy là Quỹ Wahid, tạo dựng các “làng hòa bình” của người Hồi giáo với việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, từ đó, lan tỏa những giá trị của sự khoan dung, công bằng, bình đẳng, hòa bình và tình yêu thông qua phụ nữ.

Ở những ngôi làng này, phụ nữ được trao quyền trong hoạt động kinh tế và được đào tạo để trở thành những doanh nhân nhỏ và siêu nhỏ, từ đó họ có thể độc lập về kinh tế, phần nào tránh được ảnh hưởng và sự chi phối của các phần tử cực đoan. Những người phụ nữ được khuyến khích chống lại bạo lực và phân biệt đối xử, được tuyên truyền về sự khoan dung, công bằng và hòa nhập để truyền bá cho mọi người.

Đây là một chiến lược nhằm chống lại âm mưu truyền bá chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở cấp độ cộng đồng. 9 mô hình thí điểm các làng hòa bình tại Tây, Trung và Đông Java- nơi sinh sống của những người mang tín ngưỡng khác nhau, cho thấy với vai trò chính là những người nuôi dạy trẻ em, giáo dục thanh thiếu niên trong làng, giao tiếp cùng chồng và là cầu nối trong cộng đồng để lan tỏa những giá trị cao quý, phụ nữ có thể góp phần mạnh mẽ giúp ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan cũng như thúc đẩy hòa bình và bình đẳng.

PHƯƠNG AN

Xem bản gốc báo SGGP Online tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158