VỤ “TẤN CÔNG 11.9 VÀO SAUDI ARABIA”: Khó có chiến tranh trả đũa

Đã đăng vào 19/09/2019 lúc 9:37

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai nhận định, mặc dù các cuộc tấn công mới đây vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia được ví như “vụ 11.9 của Saudi Arabia”, nhưng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh trả đũa trong thời điểm này là khó.

Nhà máy lọc dầu ở Abqaiq, Saudi Arabia bị tấn công hôm 14.9. Ảnh: REUTERS

Thưa Đại sứ, ông nhận định thế nào về tính chất nguy hiểm của các vụ tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hôm 14.9 vừa qua?

– Gần đây các cuộc xung đột ở Vùng Vịnh, đặc biệt giữa một bên là Iran và bên kia là Mỹ, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã leo thang căng thẳng và nghiêm trọng. Tháng 5 và 6.2019, các tàu chở dầu bị tấn công ở cảng của UAE và Vịnh Oman. Tháng 7.2019, Iran bắt giữ 2 tàu chở dầu Anh ở eo biển Hormuz. Các lực lượng Houthi thân Iran ở Yemen liên tục tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào nhiều địa điểm ở bên trong Saudi Arabia. Tháng 5.2019, Mỹ đã đưa một lực lượng quân sự lớn đến Vùng Vịnh và triển khai quân ở Saudi Arabia. Liên minh quân sự do Saudi Arabia lãnh đạo đã tiến hành một cuộc chiến tranh chống người Houthi ở Yemen từ năm 2015.

Đây là lần thứ ba trong năm nay, các cơ sở dầu mỏ của công ty Saudi Aramco bị tấn công, song lần này là các cuộc tấn công lớn nhất, nguy hiểm nhất vì nó đánh vào xương sống của nền kinh tế Saudi Arabia. Hậu quả của các cuộc tấn công không chỉ nghiêm trọng với kinh tế Saudi Arabia, mà ảnh hưởng còn lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Các nhà quan sát chính trị cho rằng đây là vụ tấn công 11.9 của Saudi Arabia.

Iran có liên quan đến các vụ tấn công này như thế nào, thưa Đại sứ?

– Ngay sau khi tấn công, lực lượng Houthi đã nhận trách nhiệm ngay, tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lập tức cáo buộc Iran đứng sau. Mặc dù vậy, cả Mỹ và Saudi Arabia đều không đưa ra bằng chứng, chỉ nói vũ khí tấn công là do Iran sản xuất. Bản thân Saudi Arabia cũng đang mời các chuyên gia quốc tế và Liên Hợp Quốc điều tra ai thực hiện cuộc tấn công. Nga tuyên bố không nên kết luận vội vàng, phải hết sức thận trọng, để không gây mất ổn định khu vực.

Tất nhiên các cuộc tấn công vào Saudi Arabia từ lâu nay đều liên quan đến căng thẳng giữa nước này và Iran. Tehran từng tuyên bố nếu Iran không xuất khẩu được dầu thì các nước dầu mỏ trong khu vực cũng vậy.

Giới phân tích cho rằng các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ Iran làm thay đổi “cuộc chơi” ở Vùng Vịnh. Theo Đại sứ, “cuộc chơi” này sẽ thay đổi như thế nào?

– Thực ra “cuộc chơi” đã thay đổi kể từ sau khi Mỹ dùng sức ép quân sự, chiến lược gây sức ép tối đa, các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt nhất trong lịch sử, đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0. Nhưng tất cả những biện pháp đó không ép được Iran thay đổi chính sách và không lật đổ được chế độ Tehran. Mỹ cuối cùng buộc phải hướng tới đối thoại với Iran và nêu khả năng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Từ chỗ đưa ra kế hoạch tấn công Iran, Mỹ đã phải chấp nhận các điều kiện của Iran, ví dụ chấp nhận sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho phép Iran xuất khẩu 700.000 thùng dầu/ngày, đồng ý cấp khoản tín dụng 15 tỉ USD cho Iran và tuyên bố không có kế hoạch lật đổ chế độ Hồi giáo của Iran. Iran từ một nước bị chèn ép, đang trở thành người quyết định cuộc chơi.

Đại sứ nhận định thế nào về nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Vùng Vịnh trong thời điểm này?

– Mặc dù không thể loại trừ bất cứ khả năng nào, nhưng trong tình hình hiện nay tôi cho rằng Mỹ và Saudi Arabia rất khó mở một cuộc tấn công trả đũa Iran. Thứ nhất, Mỹ không có hiệp ước phòng thủ chung với Saudi Arabia và Mỹ không có trách nhiệm bảo vệ Saudi. Thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố các cuộc tấn công nhằm vào Saudi Arabia chứ không nhằm vào Mỹ, đồng thời khẳng định Mỹ không muốn chiến tranh với Iran. Thứ ba, Mỹ hiện nay đang được hưởng lợi nhiều từ việc giá dầu tăng 20%, Mỹ có thể mở kho dự trữ dầu chiến lược để cung cấp cho thị trường. Tổng thống Donald Trump không việc gì phải đánh Iran.

Tác động của căng thẳng Vùng Vịnh với giá dầu thế giới sẽ như thế nào thưa Đại sứ?

– Trước mắt giá dầu thế giới sẽ tăng, do nguồn cung bị thiếu hụt 5%. Nhiều nguồn tin cho rằng giá dầu sẽ tăng trên 100 USD/thùng, nhưng theo tôi điều này khó xảy ra và tôi tin rằng giá dầu sẽ sớm trở lại ổn định.

Saudi Arabia ngoài các kho dự trữ bên trong đất nước còn có các kho dự trữ ở Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chưa kể Mỹ có thể mở kho dự trữ dầu chiến lược mở để bù đắp thiếu hụt.

Ngoài ra, các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới như Nga, Nigeria, UAE, Iraq, Algeria, Kuwait, cũng đang nhìn nhận đây là cơ hội vàng để những nước này gia tăng sản lượng và tranh thủ giá dầu tăng để kiếm thu.

Về phần mình, Saudi Arabia đã tuyên bố bằng mọi cách sẽ sớm khôi phục các cơ sở dầu mỏ bị tấn công. Các chuyên gia cho rằng quá trình này chỉ mất vài tuần. Như vậy, theo tôi sau một thời gian ngắn giá dầu thế giới sẽ trở lại bình thường.

– Xin cảm ơn Đại sứ!

VÂN ANH THỰC HIỆN

Theo Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158