200.000 xe khách bắt buộc lắp camera giám sát hành trình, có hết vi phạm?

Đã đăng vào 22/04/2021 lúc 9:37

Từ ngày 1.7.2021, các xe kinh doanh vận tải sẽ bắt buộc phải lắp camera giám sát hành trình nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến. Dự kiến cả nước có khoảng 200.000 xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vận tải khách bày tỏ sự băn khoăn đối với những bất cập về công nghệ, gánh nặng chi phí triển khai.

Từ ngày 1.7.2021, các xe kinh doanh vận tải phải bắt buộc lắp camera. Ảnh: ĐT

Ngăn ngừa nhồi nhét khách, chạy sai luồng tuyến

Theo quy định của Nghị định 10/2020 về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trước ngày 1.7.2021 xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ ngồi trở lên (kể cả người lái xe) và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.

Thực hiện việc này, Tổng cục Đường bộ (TCĐB) yêu cầu mỗi xe khách phải lắp camera theo dõi ghi hình được các khu vực, như vị trí làm việc của lái xe, vị trí khách lên xuống, khoang hành khách.

Trong quá trình hoạt động, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh về trung tâm với tần suất 3-5 phút/lần. Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ khi xe chạy cự ly đến 500km, tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500km. TCĐB cũng khuyến cáo đơn vị vận tải trước khi lắp đặt cần lưu ý kiểm tra, chạy thử các tính năng của camera, kiểm tra dữ liệu hình ảnh phải đảm bảo kèm theo các thông tin tối thiểu gồm số giấy phép của người lái xe, biển số đăng ký xe, vị trí (toạ độ GPS) của xe và thời gian; lựa chọn các loại camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo tối ưu khi truyền hình ảnh và không phải thay thế.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (TP.Hải Phòng) – ông Khúc Hữu Thanh Hải – cho biết, đơn vị đã triển khai lắp camera trên xe khách từ vài năm trước và đang quản lý rất tốt qua hệ thống nội bộ của doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp có 50 xe vận tải khách, nếu lắp mới bộ camera giám sát trong xe khách sẽ mất thêm 8-10 triệu đồng/bộ.

Nhưng bất cập ở chỗ, Nghị định chưa có quy định quy chuẩn hợp quy của camera giám sát nên đơn vị vận tải chưa biết sử dụng camera hiện tại được không hay phải lắp mới. Bởi nếu camera đang sử dụng được mà phải lắp mới sẽ rất lãng phí. Mặt khác, hệ thống dữ liệu camera với trên 200.000 xe toàn quốc truyền file hình ảnh rất nặng về cổng kết nối của TCĐB thì cũng chưa rõ địa chỉ IP của hệ thống để truyền, hệ thống phần mềm có chịu được hay không và liệu có xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Do đó, ông Hải kiến nghị cần có quá trình chạy thử nghiệm để xem xét tính hiệu quả bởi nếu camera lắp xong khi truyền dữ liệu mà cơ quan Nhà nước không sử dụng được thì rất lãng phí xã hội.

Cùng đó, ông Đỗ Văn Bằng – Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt – cho biết, công ty đã làm việc với đơn vị cung cấp camera để triển khai phương án thay thế thiết bị, tuy nhiên mức chi phí cho hệ thống này là rất lớn. Hiện Sao Việt có trên 100 xe và đơn vị ước tính phải bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng, chưa kể chi phí cho hệ thống camera hành trình và camera giám sát cũ cũng hơn 10 triệu đồng/xe, toàn bộ sẽ phải bỏ đi.

Đề nghị lùi thời gian thực hiện

Theo ông Đỗ Văn Bằng, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải đã chịu nhiều thiệt hại và lỗ do xe phải “đắp chiếu”, giờ lại tốn thêm chi phí cho hệ thống camera giám sát trên xe sẽ khiến đơn vị điêu đứng và gặp nhiều khó khăn. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần lùi thêm 1 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hệ thống, nguồn lực cũng như vượt qua khó khăn ở giai đoạn hiện tại.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) – ông Nguyễn Văn Quyền – cho biết, do các thủ tục pháp lý, hạ tầng để thực hiện lắp camera chưa được xây dựng, ban hành đầy đủ, cùng với đó, sau hơn 2 năm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS), hiện có đến gần 50% thiết bị trên xe khách không hoạt động… Đây là cơ sở để cơ quan chức năng đánh giá, nên xem lại việc yêu cầu lắp đặt thiết bị công nghệ tiếp trên các xe kinh doanh vận tải.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, đã có kiến nghị lùi thời hạn lắp camera bởi Nghị định 10 và các thông tư hướng dẫn của Bộ GTVT chưa có quy chuẩn lắp đặt camera trên xe khách; dữ liệu camera xe khách, nhà xe thu được chưa biết truyền về đâu (chưa rõ địa chỉ, máy chủ để truyền); việc ghi và lưu trữ hình ảnh bằng camera trên xe chỉ phục vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước nên cần làm rõ mục đích của việc lắp đặt này.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, trong lúc chưa ban hành quy chuẩn thiết bị và chưa có trung tâm kết nối thì việc tạm dừng hoặc lùi thời gian lắp đặt camera để không gây tốn kém trong hoạt động vận tải. Đồng tình quan điểm này, ông Bùi Danh Liên (nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội) cho rằng, trong tình cảnh vận tải đang lao đao vì dịch COVID-19, cần xem xét là có nhất thiết phải áp dụng ngay trong thời điểm này hay không, khi mà doanh nghiệp đang rất khó khăn, nên chọn một thời điểm thích hợp hơn sẽ hài hoà lợi ích của cả xã hội, người dân và doanh nghiệp vận tải.

Trước kiến nghị của các Hiệp hội Vận tải, doanh nghiệp xe khách, đại diện Bộ GTVT cho biết, bộ đã có yêu cầu TCĐB nghiên cứu, tiếp nhận các ý kiến, sau đó có trả lời cụ thể cho từng Hiệp hội, báo cáo kết quả về bộ trước ngày 25.4.2021.

ĐẶNG TIẾN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158