Bất cập khiến doanh nghiệp chưa thể vay gói 16.000 tỉ đồng

Đã đăng vào 16/06/2020 lúc 13:36

Để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay 16.000 tỉ đồng phục vụ trả lương ngừng việc với người lao động, nhiều kiến nghị cho rằng, cần tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình xét duyệt hồ sơ cũng như những quy định về điều kiện để doanh nghiệp có thể thụ hưởng nguồn vốn vay lãi suất 0% này.

Dù có sẵn nguồn vốn 16.000 tỉ đồng, VBSP hiện vẫn chưa thể giải ngân cho doanh nghiệp vay vốn trả lương người lao động. Nguồn: VBSP

Gần 2 tháng chưa thể cho vay

Quyết định 15 được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tháng 4.2020 quy định doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ được vay vốn lãi suất 0% để trả lương người lao động bị ngừng việc. Tuy nhiên, theo thông tin từ Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tính đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận được hỗ trợ từ gói trợ cấp cho vay này.

Cụ thể để triển khai chương trình cho vay này, NHNN đầu tháng 5.2020 ban hành Thông tư 05 theo đó quyết định tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) làm nguồn vốn cho vay. Trong trường hợp đến hết ngày 31.7, VBSP nếu không giải ngân hết số tiền giải ngân sẽ phải hoàn trả NHNN số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất, chậm nhất đến ngày 15.8.2020. Trong khi đó, các quy định về điều kiện, đối tượng được vay gói này lại do Bộ LĐTBXH làm đầu mối phối hợp với các bộ ngành để tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định số 15.

Bà Trần Lan Phương – Phó Tổng Gám đốc VBSP cho biết thêm, thực tế có nhiều doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu thông tin về chương trình này song đến nay vẫn chưa có khoản vay nào được giải ngân. Cụ thể theo bà Phương, các điều kiện, đối tượng vay vốn trong chương trình này do Bộ LĐTBXH tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành. Sau đó, các địa phương sẽ xây dựng, phê duyệt danh sách doanh nghiệp được vay và sau đó chuyển sang VBSP để ngân hàng cho vay. “Đến nay, dù chúng tôi đã sẵn sàng giải ngân nhưng vẫn chưa có khoản vay nào” – bà Trần Lan Phương cho biết.

Điều kiện cho vay quá chặt chẽ?

Nhận định về nguyên nhân khiến đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào được vay nguồn vốn 16.000 tỉ đồng này để trả lương người lao động, ông Nguyễn Phan Vỹ – Giám đốc VBSP tỉnh Tuyên Quang nhận định, một số quy định từ điều kiện, đối tượng vay do Bộ LĐTBXH đề xuất như danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và thời gian cho lao động nghỉ việc ít nhất 1 tháng là một số nguyên nhân dẫn đến việc chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có đơn đề nghị vay.

Về thực tế chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn, lãnh đạo NHNN Chi nhánh TPHCM khẳng định vấn đề không nằm ở nguồn tiền bởi NHNN đã chuẩn bị sẵn gói trợ cấp này. Vướng mắc nếu có là ở khâu thủ tục, hồ sơ, giấy tờ để chứng minh và nhu cầu của doanh nghiệp. NHNN đã chuẩn bị sẵn nguồn tiền, chịu trách nhiệm giải ngân và thu hồi vốn, còn các khâu thủ tục, giấy tờ xác định cho doanh nghiệp vay do cơ quan khác phụ trách.

Phía VBSP chi nhánh TPHCM cũng khẳng định rất sẵn sàng cho vay, song vẫn chưa nhận được đề nghị vay nào bởi điều kiện cho vay, đối tượng cho vay vốn là do Bộ LĐTBXH xem xét. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, VBSP chỉ kiểm tra, xem doanh nghiệp có nợ xấu vào thời điểm ngày 31.12.2019 hay không, nếu không sẽ giải ngân ngay.

Cần tháo gỡ ngay các vướng mắc

Để gói hỗ trợ thực sự đến tay người lao động, nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đều đề nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc.

Chị Nguyễn thị Thanh Vân – Giám đốc Cty Đồ gỗ mỹ nghệ Khánh Phong cho rằng, Quyết định 15 của Chính phủ là chủ trương rất tốt, giúp họ có thêm nguồn lực để giữ nhân viên khi khởi động trở lại. Song nhiều quy định về điều kiện, thủ tục phức tạp, rườm rà. Đơn cử như việc doanh nghiệp phải chứng minh khó khăn về tài chính, các chứng chỉ hành nghề, giấy phép đầu tư… Đặc biệt là quy định để được vay vốn lãi suất 0% phải có từ 20% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên.

“Như vậy không lẽ để được vay tiền hỗ trợ, chúng tôi phải sa thải 20% nhân viên đang có ở công ty?” – chị Vân đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, một trong những điều kiện vay là Doanh nghiệp có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc. Thế nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động, dẫn đến không đủ điều kiện vay. Hay như việc gói vay này hỗ trợ doanh nghiệp đã trả trước 50% lương tối thiểu.

Theo đó, mỗi lao động, doanh nghiệp chỉ có thể vay được thêm dưới 2 triệu đồng theo mức lương cơ bản. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì vay quá ít. Trong khi doanh nghiệp quy mô lớn lại không được vay nhiều. Và để vay được, doanh nghiệp phải lòng vòng nhiều thủ tục. Do đó, các doanh nghiệp cho rằng cơ quan chức năng có thể căn cứ vào sổ bảo hiểm, doanh thu của doanh nghiệp, danh sách giám sát công nhân tại địa phương… để cho vay gói lãi suất 0%. Hoặc các cơ quan hữu trách có thể căn cứ vào số lượng lao động bị ngừng việc, tình hình doanh thu của các công ty trong mấy tháng dịch bệnh là đủ cơ sở giải ngân cho vay.

Đối với việc hỗ trợ người lao động phải nghỉ việc, ông Nguyễn Hồng Dân – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Hà Nội cũng đánh giá, việc cho doanh nghiệp vay gặp trở ngại là ở quá trình xét duyệt hồ sơ.

Cụ thể theo quy định, doanh nghiệp vẫn có doanh thu và còn nguồn để chi trả thì người lao động trong đơn vị đó không được hỗ trợ. Tuy nhiên trên thực tế có những doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng chỉ cho khoảng 30% số lao động nghỉ việc, 70% vẫn hoạt động và đồng nghĩa doanh nghiệp vẫn có doanh thu. Điều này dẫn tới 30% số người lao động nghỉ việc không được hỗ trợ. Ông Dân cho biết Sở LĐTBXH sẽ có kiến nghị để tháo gỡ những vướng mắc này bởi mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn khi nghỉ việc.

Đừng để niềm tin của doanh nghiệp bị hao mòn

Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đà Nẵng cho rằng, thông tin gói vay 16.000 tỉ đồng đến thời điểm này vẫn còn nguyên vẹn là minh chứng rõ nhất cho việc chính sách này không đi vào đời sống.

Nhu cầu vay tiền để trả lương cho người lao động của các doanh nghiệp là có nhưng khi chính sách được đưa ra thì kèm theo đó là những điều kiện khó. Chúng chẳng khác gì những giấy phép con, trói buộc doanh nghiệp mà để làm được thì quá phiền phức. Đơn cử như việc quỹ vay để trả lương nhưng với điều kiện doanh nghiệp phải trả 50% lương cho người lao động, nộp đầy đủ BHYT và BHXH, đồng thời doanh nghiệp đó không được có nợ xấu, nợ quá hạn ở các ngân hàng, phải sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương.

“Như vậy, chỉ cần doanh nghiệp không đáp ứng 1 trong số các điều kiện trên hay đơn giản là không trích lập quỹ dự phòng lương thì không đủ điều kiện” – ông Bình nói.

Trong khi đó, thực tế, các doanh nghiệp thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khi cảm thấy tình hình hoạt động không ổn đã chủ động cho người lao động tạm ngưng việc, không hưởng lương. Trường hợp, có doanh nghiệp vẫn trả 50% lương thì người lao động cũng đã cảm thấy ổn, vui vẻ và chia sẻ với chủ doanh nghiệp trong thời gian khó khăn chung. Chung quy lại, chủ yếu đối tượng của chính sách này là các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, có số lượng lao động lớn.

Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lao động của họ không nhiều mà phải làm quá nhiều thủ tục như vậy nên chẳng có ai mặn mà. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng, trong số 14.000 doanh nghiệp tại Đà Nẵng thì có đến 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và như phân tích ở trên, chẳng có doanh nghiệp nào đủ điều kiện để mà hưởng chính sách vay 16.000 tỉ đồng.

Ông Bình đề nghị: “Chính sách đưa ra không cần nhiều nhưng phải tính toán để doanh nghiệp với tới được. Doanh nghiệp đang rất cần vay vốn để tái cơ cấu kinh doanh nhưng chính sách phải bỏ đi những “giấy phép con” như trên. Còn không, 16.000 tỉ đồng hay có nhiều hơn nữa cũng sẽ còn nguyên vẹn. Từ đó, chính sách thành như chùm nho, doanh nghiệp như con cáo mãi không với tới được. Chưa hết, việc 16.000 tỉ đồng không được chi ra là sự lãng phí rất lớn khi gần 2 tháng trời chúng ta tập trung tuyên truyền, tập huấn, vận động, hướng dẫn  nhưng quay trở lại là con số 0. Nếu cứ như vậy, niềm tin của doanh nghiệp vào các chính sách cũng sẽ hao mòn dần”. Thuỳ Trang

VĂN NGUYỄN – BẢO CHƯƠNG

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158