Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng phí BOT

Đã đăng vào 07/06/2019 lúc 14:55

Bộ GTVT vừa gửi văn bản xin ý kiến 5 bộ ngành và 17 địa phương về Dự thảo Báo cáo Thủ tướng về việc sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT giao thông đường bộ.

Trạm thu phí BOT Cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh Mianh Họa

Theo số liệu báo cáo hiện Bộ GTVT đang quản lý 61 dự án BOT đường bộ.

Trong đó có 59 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, 2 dự án đang đầu tư. Với 59 dự án đã đưa vào khai thác, có 52 dự án có đủ số liệu đánh giá việc tăng, giảm lưu lượng so với dự báo ban đầu, 4 dự án mới đưa vào thu phí cuối tháng 12.2018 và đầu năm 2019 không đủ cơ sở để đánh giá và 3 dự án đang dừng thu.

Năm 2018 có 31/52 dự án (chiếm khoảng 60%) có lưu lượng thực tế cao hơn dự báo trong hợp đồng BOT; 11/52 dự án (chiếm khoảng 20%) có lưu lượng thực tế đạt từ 80-100% so với dự báo trong hợp đồng; khoảng 10 dự án có lưu lượng thực tế thấp (dưới 80%) so với dự báo trong hợp đồng. 

Theo đó, Bộ GTVT đã đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, tăng phí trong giai đoạn từ năm 2019 – 2021. Theo hợp đồng đã ký, trong giai đoạn từ năm 2018 – 2021 có 49 dự án phải tăng phí theo lộ trình.

Bộ GTVT sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ để xem xét tăng phí trong giai đoạn này. Riêng trong năm 2019 chỉ đàm phán tăng phí đối với các dự án có sụt giảm doanh thu lớn để hạn chế các hệ lụy xấu.

Theo tính toán đây là điểm tới hạn nếu không tăng phí sẽ phá vỡ phương án tài chính của các dự án. Với phương án này, phương án tài chính các dự án vẫn đảm bảo khả thi, đặc biệt không phải bố trí ngân sách để bù đắp phần thiếu hụt. Ngoài ra, việc tăng phí phí đường bộ tại các trạm cơ bản không ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải.

Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện việc tăng theo hợp đồng từ năm 2022.

Theo phương án này, 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn từ 2018-2021 sẽ bắt đầu tăng phí từ năm 2022. Theo tính toán, sẽ có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính và dự kiến nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các dự án này đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính dự án.

Ưu điểm của phương án này là hạn chế ảnh hưởng xấu đến tình hình thu phí đang dần ổn định tại các trạm thu phí. Nhưng nhược điểm là nhà nước phải bố trí ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng trong năm 2022 để đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của các dự án này.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, phương án 1 là phương án có nhiều ưu điểm, không phải bố trí ngân sách nhà nước; còn phương án 2 nhà nước phải bố trí ngân sách để hỗ trợ. Do việc quyết định phương án có liên quan đến ngân sách, vượt thẩm quyền nên Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo.

MINH HẠNH

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158