Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người lao động sẽ được chọn quyền nghỉ hưu sớm

Đã đăng vào 29/05/2019 lúc 14:49

Bên hành lang Quốc hội sáng 29.5, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trao đổi với báo chí quanh những điểm mới và nội dung còn nhiều tranh cãi về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí sáng 29.5. Ảnh: Quang Vinh

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đảm bảo quỹ BHXH

Thưa Bộ trưởng, ngày 29.5, Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong điểm mới của dự luật là việc tăng độ tuổi nghỉ hưu, nam lên 62 và nữ 60 tuổi. Trước khi đưa ra phương án này, Bộ đã thực hiện báo cáo thăm dò tác động về sự thay đổi tuổi nghỉ hưu chưa? Việc tăng tuổi nghỉ hưu có tác động thế nào đến người lao động cả nước?

– Nghị quyết 28 của Trung ương đã đặt vấn đề rất rõ mục tiêu, mục đích về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Trong đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tính tới yếu tố tăng trưởng việc làm, đảm bảo sự bền vững và phải căn cứ vào rất nhiều mục tiêu khác. Ví dụ như giải quyết đảm bảo bền vững quỹ bảo hiểm trong lâu dài, vấn đề già hoá dân số… 

Có thể nói mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có một tầm nhìn dài, nhưng phải hành động mau lẹ, đặc biệt phải tiến tới thích ứng được xu hướng già hoá dân số vào năm 2035.

Nhiều người nói Việt Nam đang có dân số vàng, nhưng thực chất thời điểm dân số vàng cũng đã bắt đầu chuyển sang già vào năm 2014. Cụ thể, nếu năm 2000, một năm bình quân số người bước vào độ tuổi lao động khoảng 1,2 triệu người, hiện giờ đã giảm xuống còn khoảng 400.000 người. Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất hiện nay… 

Nếu nói về độ tuổi lao động, độ tuổi lao động hiện nay của Việt Nam là 60, nữ là 55 đã được quy định từ những năm 1961 – tức là hơn 60 năm giữ độ tuổi trên. Nhưng ở thời điểm đưa ra quy định này, bình quân tuổi thọ của VN mới được trên 45 tuổi, mà tới nay tuổi thọ bình quân của người VN đang là 76,6 tuổi. Vì vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu ở thời điểm này là phù hợp. 

Có ý kiến lo ngại việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ trưởng bình luận thế nào về điều này?

– Hiện nay, thời gian đóng BHXH của nam và nữ nhìn chung là thấp, đóng bình quân 20 năm, nhưng hưởng rất cao. Thông thường, các nước hưởng mức lương hưu cao nhất là 45%, nhưng VN người hưởng lương hưu cao nhất là 75%, còn bình quân hiện nay là 70%.

Nếu một người đóng BHXH bình quân 28 năm thì đủ để chính người đó hưởng trong 10 năm, còn lại 9,5 năm thì phải lấy đóng góp BHXH của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ trước. Do đó chúng ta điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết.

50 tuổi vẫn có thể nghỉ hưu

Việc tăng tuổi nghỉ hưu với nam lên 62, nữ lên 60 được áp dụng như thế nào cho các ngành nghề, thưa Bộ trưởng? 

– Tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể rất nhiều phương án và giải quyết nhiều luật khác, nhiều chính sách khác. Ví dụ, điều chỉnh về bảo hiểm, công việc, thị trường lao động chứ không chỉ nhằm nhằm vào Bộ luật này.

Tôi muốn báo chí tuyên truyền rộng hơn để người lao động hiểu, đây là điều chỉnh dần có lộ trình, chậm. Theo phương án 1,  đến 2028, người đàn ông mới nghỉ hưu ở tuổi 62, 2035 nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60. Nhưng đây là với những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường…

Còn với trường hợp suy giảm sức khỏe, lao động trong điều kiện đặc biệt, nặng nhọc, độc hại sẽ có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi, đi liền với đó là chúng tôi đang thiết kế những chính sách, thậm chí có những người nghỉ hưu ở tuổi 50.

Chúng tôi đang thiết kế chính sách là NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm, hưởng chính sách theo quy định hiện hành, chứ không bắt cứng họ cứ phải đủ tuổi và đủ năm đóng bảo hiểm thì mới được nghỉ hưu. 

Không có chuyện tăng tuổi nghỉ hưu là cơ hội để quan chức giữ ghế

Việc tăng tuổi nghỉ hưu như vậy liệu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ, thưa ông? 

– Ở đây tôi phải nói là chúng ta xác định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, việc số 1 là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Thứ 2 là phải đảm bảo công ăn việc làm cho giới trẻ.

Việc chúng tôi tính phương án 1 là đã cân đối được công việc hiện tại cho giới trẻ và cả người già.

Bởi, hiện nay 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang đi làm việc tiếp, lực lượng lao động trẻ của chúng ta không phải dồi dào nữa. Tôi đã quan sát rất nhiều ở vùng nông thôn, hiện chỉ còn người già và phụ nữ, không còn thanh niên trẻ…

Ngoài ra cũng phải làm rõ không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. Đây là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tính tuổi nghỉ hưu, nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau.

– Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Đ.CHUNG-C.NGUYÊN-T.TRUNG

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158