Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói gì về việc công nhận liệt sĩ thời bình?

Đã đăng vào 10/12/2019 lúc 9:55

Thương binh khi mất được công nhận liệt sĩ trong trường hợp nào? Việc công nhận liệt sĩ trong thời bình có quy định gì mới? 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận phản ánh từ cử tri Thanh Hoá. Ảnh: Q.T

Ngày 9.12, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề "Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công". Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã phân tích rõ các trường hợp có thể được công nhận là liệt sĩ khi Quốc hội thông qua "Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi)".

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: X.H

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, việc xác nhận liệt sĩ với thương binh mất sức khoẻ từ 61% trở lên khi mất do vết thương tái phát thì được xem xét với những điều kiện kèm theo. 

Trong quá trình soạn thảo, có ý kiến cho rằng chỉ thực hiện xác nhận liệt sĩ đối với thương binh nặng, mất sức khoẻ 81% thôi, không chấp nhận những người 61%. Những người bị thương mất sức khoẻ 81% đương nhiên đang sống trong các trung tâm của Nhà nước hoặc ở gia đình nhưng có người nuôi dưỡng, số lượng này khoảng 13.000 người, với đối tượng thương binh mất 61% sức khoẻ trở lên tăng lên vài lần.

Chính phủ đề xuất tiếp tục giữ nguyên 61% nhưng để đảm bảo chặt chẽ hơn nên đưa ra 3 điều kiện, thứ nhất là trong thời gian đang còn sống thường xuyên được điều trị, tức là có bệnh án thường xuyên được điều trị về vết thương này; thứ hai là có biên bản kiểm thảo khi chết vì lý do vết thương tái phát; thứ ba là được cộng đồng dân cư, nơi sinh sống công nhận.

 Cử tri phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: X.H

Về việc xét công nhân liệt sĩ thời bình, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, câu chuyện này cũng không đơn giản.

"Cách nay 20 năm, khi đó tôi là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn tôi là người đề xuất phong tặng liệt sĩ và  truy tặng danh hiệu Anh hùng cho anh Nguyễn Bá Ngọc cũng rất khổ sở, vất vả, mãi về sau này mới được" – Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay việc xác định liệt sĩ thời bình, vừa qua có một khái niệm dùng chung là: “Có hành động dũng cảm cứu người cứu tài sản”.

"Người có hành động dũng cảm cứu người cứu tài sản rất đáng tôn vinh, chẳng hạn cứu người đuối nước nhưng có đáng, có nhất thiết phải công nhận liệt sĩ hay không?" – Bộ trưởng đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng, liệt sĩ hoàn toàn là danh hiệu dành cho những người hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân cần được tôn vinh. Về cơ bản thời gian vừa qua đề xuất là đúng nhưng cũng có nhiều trường hợp, nhiều địa phương lách bằng cách muốn đề nghị Bộ trưởng công nhận thì lách bằng một câu: “Đề xuất cấp có thẩm quyền tặng bằng khen có ghi một câu "có hành động dũng cảm", buộc Bộ trưởng phải thừa nhận.

Do đó hướng chung thời gian tới sẽ điều chỉnh một bước nữa. Tất cả các hành động dũng cảm như vậy có thể được Nhà nước tôn vinh bằng một hình thức khác như truy tặng Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đồng thời cấp chế độ mai táng, hỗ trợ gia đình nuôi con cái… Còn việc công nhận liệt sĩ lại là việc khác.

"Để thực hiện được điều này có thể khái niệm phải ở mức cao hơn như “Có hành động đặc biệt dũng cảm, thực hiện những công việc đặc biệt nguy hiểm và cấp bách”. Chẳng hạn anh Thào A Súa rất đáng tôn vinh" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

XUÂN HÙNG

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158