Cả người dân lẫn doanh nghiệp đều muốn công khai

Đã đăng vào 08/09/2019 lúc 16:03

Khi Bộ Công Thương có tham vọng “đóng dấu mật” vào thông tin giá điện, giá xăng dầu bán ra cho người dân thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại cho rằng, giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh… Cũng về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân thì nên cân nhắc đóng dấu mật. Đặc biệt, thông tin về giá xăng dầu hay giá điện.

Bộ Công Thương có tham vọng “đóng dấu mật” vào thông tin giá điện, giá xăng bán ra cho người dân. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cân nhắc bỏ dấu “mật”

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Danh mục bí mật Nhà nước của ngành. Trong đó đáng chú ý, báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố được xếp vào dạng tài liệu mật. Trước những thông tin này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có góp ý gửi và đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc lại nội dung này.

Theo VCCI, giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía Nhà nước. “Việc bí mật phương án giá xăng có thể được suy đoán là nhằm tránh tình trạng đầu cơ như đã diễn ra cách đây nhiều năm. Đã từng có hiện tượng trước mỗi thời điểm tăng giá thì các cây xăng lấy lý do kỹ thuật để dừng bán xăng, gây ảnh hưởng đến nhu cầu xăng dầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ việc kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đầu mối nên hiện nay đã giảm rất nhiều và gần như không còn tái diễn trong vài năm trở lại đây” – VCCI nhấn mạnh.

Đối với mặt hàng điện, VCCI nhận định: Do đặc tính sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên nguy cơ đầu cơ mặt hàng này rất khó có thể xảy ra. Có chăng chỉ là hiện tượng gia tăng sử dụng điện trước mỗi dịp tăng giá có thể gây ảnh hưởng đến khả năng truyền tải của hệ thống đường dây. Tuy nhiên, nguy cơ này không cao và dễ dàng được xử lý thông qua các biện pháp kỹ thuật và điều hành (ví dụ chọn thời điểm điều chỉnh giá khi công suất phụ tải thấp).

Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại các hiệu ứng tiêu cực và tích cực và cân nhắc loại bỏ việc giá xăng, giá điện khi chưa công bố thuộc danh mục bí mật ngành Công Thương.

Để doanh nghiệp không bị động

Không chỉ VCCI mà nhiều chuyên gia kinh tế khi được PV Lao Động đặt vấn đề này cũng đã đồng tình với quan điểm là không nên đưa phương án giá xăng, điện vào danh mục bí mật của ngành.

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính – giá cả thuộc lĩnh vực Nhà nước quản lý hầu hết từ trước đến nay được coi là có độ bảo mật nhất định. Nhà nước giữ bí mật việc tăng, giảm giá đến cận thời điểm công bố, với lý do là để tránh cho người kinh doanh có thể tích trữ, đầu cơ hàng hóa, từ đó trục lợi.

Theo ông Thịnh, trong thực tế, việc bảo mật với một số thông tin điện, xăng dầu cũng là một trong những đòi hỏi của Nhà nước, từ đó cơ quan chức năng xem xét tính toán giá cả cho hợp lý.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh hiện nay giá cả do thị trường quyết định, lên xuống theo thị trường. “Chúng ta cần xem xét công khai giá, trước mắt ở mức độ nhất định. Ví dụ như giá điện, trước khi tăng phải đưa ra bàn luận công khai, mổ xẻ xem có nên tăng hay không, tăng bao nhiêu là phù hợp với sức chịu đựng của DN, người dân. Sau khi có quyết định tăng phải cho DN biết trước một thời gian nhất định để DN tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình” – ông Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo vị PGS này, câu chuyện thông tin giá điện, xăng dầu có nên mật hay không mật chỉ là câu chuyện nhỏ. Đằng sau đó, việc công khai minh bạch của hai ngành này mới là vấn đề cần phải giải quyết và phải làm tận gốc vấn đề. Có như vậy, người dân mới cảm thấy tin tưởng, không còn bức xúc mỗi khi giá điện, giá xăng buộc phải điều chỉnh tăng.

Cùng vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả – nhận định, những gì liên quan đến giá cả đều là vấn đề “hết sức nhạy cảm”. Nguyên tắc chung là những mặt hàng nhà nước điều chỉnh giá nên được giữ bí mật trước khi thay đổi nhằm tránh gây hỗn loạn thị trường, tránh đầu cơ… Tuy nhiên, với mặt hàng điện là vừa sản xuất vừa tiêu thụ nên lo ngại tình trạng đầu cơ như xăng dầu là không có.

Vậy vấn đề lo ngại gây hỗn loạn thị trường có thể là một trong những lý do khiến Bộ Công Thương đề nghị đưa giá điện vào danh mục mật. Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh, điều này cũng không thuyết phục và không cần thiết bởi với mặt hàng điện, công cụ quản lý lẫn lực lượng hàng hóa đều nằm trong tay nhà nước quản lý.

Nhiều chuyên gia cũng e ngại, nếu phương án kinh doanh và phương án điều chỉnh giá xăng dầu, điện là bí mật cho đến khi được công bố thì các doanh nghiệp sản xuất, vận tải sẽ luôn ở thế bị động, không biết để có kế hoạch đối ứng có thể sẽ dẫn tới tình trạng thua lỗ.

CAO NGUYÊN

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158