Có thể bị xử lý hình sự nếu trục lợi từ nước rửa tay sát khuẩn

Đã đăng vào 11/02/2020 lúc 15:17

Theo quan điểm của luật sư, hành vi làm giả nước rửa tay, sát khuẩn rất nguy hiểm vì gây mất an toàn đối với sức khỏe người sử dụng. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự.

Công an phát hiện công nhân đang dán nhán, gắn tem mác vào chai nước rửa tay giả. Ảnh CTV.

Liên tiếp trong những ngày qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh dung dịch rửa tay trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, ngày 8.2, Đội Quản lý thị trường (QLLT) số 26 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với cơ quan công an kiểm tra cơ sở sản xuất nước sát khuẩn, rửa tay khô có địa chỉ tại P.1816 – CT2 Khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì do bà Quách Thị Hà Vân làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra cho thấy, cơ sở này đã mua cồn 90 độ sang chiết từ các can 50 lít ra chậu pha cùng dung dịch glycerin, nước tinh khiết và đóng vào các chai, lọ bán ra thị trường kiếm lời…

Trước đó, ngày 6.2, Công an tỉnh Thái Bình bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Dược phẩm Thiên Y Việt (tại số 437, đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình)… Tổ công tác phát hiện xe ôtô có chở 14 thùng carton dán kín, mỗi thùng có chứa 30 chai dung dịch màu trắng ghi nhãn hiệu Rencide III – nước xịt tay sạch khuẩn được sản xuất bởi Công ty Dược phẩm Thiên Y Việt không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm…

Chưa dừng lại, kiểm tra khu vực sản xuất của công ty, có gần 30 công nhân đang sản xuất, đóng gói hàng hóa là nước rửa tay in các dãn nhãn hiệu: Rencide, Hand sanitizer dạng nước và dạng gel với hàng trăm chai chứa, thùng chứa dung dịch… Ở kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện 6.441 chai chứa dung dịch cả dán tem và chưa dán tem nhãn hiệu Rencide, Hand sanitizer…

Ngày 8.2, Sở Y tế Thái Bình có công văn trả lời việc sản xuất các sản phẩm nước rửa tay trên của Công ty Thiên Y Việt là trái quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất trên.

Liên quan đến các sự việc trên, trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết tùy theo tính chất mức độ, hành vi của đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự hoặc xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 185/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.

Về xử lý hình sự, cơ quan điều tra cần xác định trị giá hàng hóa làm giả theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 30.000.000 đồng trở lên thì đối tượng có thể bị xử lý tương ứng theo quy định tại Điều 192 BLHS 2015 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 100 triệu – 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm…

Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại khoản 3 sẽ bị phạt tù từ 7 – 15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 1 – 9 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí bị đình chỉ vĩnh viễn…

Tính từ ngày 31.1 đến ngày 9.2 lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.594 vụ vi phạm tại các nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế.

C.NGUYÊN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158