Có trị dứt “bệnh” lạm dụng xe công?

Đã đăng vào 25/07/2019 lúc 10:15

Mức phạt tối đa lên tới 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng xe công vào mục đích cá nhân là quy định tại Nghị định 63/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1.9.2019) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước. Nhưng để quy định trên đi vào thực chất, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có sự gương mẫu ở từng đơn vị, đồng thời phải tránh được sự nể nang, né tránh, phân định trách nhiệm rõ ràng, đồng thời phải xem xét trách nhiệm để xử lý kỷ luật, có như vậy mới răn đe được các trường hợp khác.

Minh họa của ĐAN

Dùng xe công vào việc riêng, dư luận bức xúc

Thời gian qua, không ít vụ việc sử dụng xe công vào việc tư khiến dư luận xôn xao, bức xúc. Những sự việc dùng xe công đi lễ chùa, đi đám cưới, dùng vào việc riêng… liên tục bị phát hiện. Việc này đã được nhiều lần nhắc tới, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên tục có những thông điệp quán triệt chặt chẽ về việc sử dụng xe công đúng mục đích.

Mới đây nhất, nhiều xe biển số xanh chở cán bộ đến dự đám cưới con của vị Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng khiến nhiều người xôn xao. Theo thống kê bước đầu của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định có tổng cộng 5 xe biển xanh của 4 cơ quan, đơn vị trong tỉnh dùng xe công đi dự đám cưới. Cũng theo phản ánh, tại đây không chỉ những chiếc xe công vụ trong tỉnh mà nhiều xe công vụ ngoài tỉnh Sóc Trăng cũng có mặt.

Hay hồi giữa tháng 2.2019, sự việc một loạt xe biển xanh chở khách đi dự tiệc của một cán bộ lãnh đạo huyện Vị Thủy (Hậu Giang) xuất hiện ở khu vực nhà hàng Phi Long (đường Cách Mạng Tháng 8, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cũng gây xôn xao dư luận. Qua xác minh, UBND tỉnh Hậu Giang xác nhận có 4 đơn vị sử dụng 6 xe công đi dự tiệc.

Ngoài phạt tiền cần xem xét xử lý kỷ luật

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước. Một trong những điều được nhiều người quan tâm tại nghị định đó là quy định phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng với tổ chức giao, sử dụng ôtô công vào mục đích cá nhân, đưa đón người có chức danh không có tiêu chuẩn từ nơi ở đến nơi làm việc, phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Điều này được kỳ vọng nhằm giảm bớt và chấn chỉnh tình trạng sử dụng xe công sai mục đích.

Xe công biển xanh chở cán bộ và người nhà đi dự đám cưới ở Sóc Trăng. Ảnh: T.L

Trao đổi với Lao Động, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng: Vấn đề sử dụng xe công vào việc riêng trước nay đã xảy ra một số trường hợp như sử dụng xe công đi chùa, đi ăn cưới, đi xe công không đúng mục đích… Với Nghị định này đã quy định một chế tài cụ thể để xử phạt đối với hành vi vi phạm trong việc quản lý và sử dụng xe công. Việc này rất đúng và thiết thực để ngăn cản việc sử dụng tài sản công vào việc riêng. Tuy nhiên, theo ông Dĩnh, để quy định đi vào thực chất thì quan trọng nhất là khâu thực hiện. Để thực hiện được việc này cần phải nâng cao tính tự giác và yêu cầu các cấp khi thực hiện phải nghiêm. Nếu không cẩn thận, xử lý nghiêm thì có khi chỉ lại là rút kinh nghiệm.

“Tôi cho rằng cần phải làm triệt để từ trên xuống dưới. Có những trường hợp khi ở dưới kỷ luật không đúng thì cấp trên phải yêu cầu để xử lý lại cho tương xứng. Mặt khác để thực hiện được điều này trước hết lãnh đạo các cấp, từ trên xuống phải rất gương mẫu. Bởi chỉ có gương mẫu thì mới có thể tránh được sự nể nang, né tránh trong việc xử lý những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, với những trường hợp vi phạm có thể soi chiếu các quy định của Đảng để xử lý” – ông Dĩnh nhấn mạnh.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – cho rằng: Để quy định đi vào thực tế trước hết các đơn vị cần phải rà soát, báo cáo tổng kết lại tình trạng sử dụng xe công vụ một cách rõ ràng. Đồng thời, cần phải phân định rõ trách nhiệm trong việc quản lý tài sản công để có thể xác định được tính chất, mức độ vi phạm và có hình thức xử lý phù hợp.

“Khi xảy ra sự việc vi phạm thì ai là người chịu trách nhiệm, lỗi ở khâu nào? Thủ trưởng cơ quan hay người điều động ký duyệt cho xe rời khỏi cơ quan hay người được giao xe? Ai là người sử dụng sai? Việc này cần phải xác định rõ để thực hiện quy định được nghiêm” – ông Xuyền đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng, cần phải quy định rất rõ việc thanh tra, kiểm tra, kiểm đếm, ghi chép quản lý xe như thế nào để có căn cứ xử lý. Nếu không sẽ rất khó có thể xử phạt được. 

Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ôtô công

Theo ThS-LS Đặng Văn Cường (Trưởng phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn LS TP.Hà Nội) để quy định đi vào thực chất, tránh việc nể nang khi xử phạt, nâng cao hiệu quả xử phạt hành chính trong việc quản lý, sử dụng ôtô công, tài sản công cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Đó là cần quan tâm, chú trọng hơn nữa trong công tác tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng xe ôtô công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng xe ôtô công. Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm với cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng ôtô công để đảm bảo mọi hành vi vi phạm được phát hiện, xử lý kịp thời, tránh tình trạng bị động, nể nang. Cùng với đó cần thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ôtô, tài sản công cũng như việc xử lý vi phạm để người dân và toàn xã hội có thể giám sát, đảm bảo việc thực thi pháp luật được thực thi đầy đủ, nghiêm túc.

VƯƠNG TRẦN

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158