Còn lỗ hổng về quy định pháp lý trong việc nuôi nhốt hổ

Đã đăng vào 08/06/2019 lúc 9:51

Sau vụ việc hổ cắn đứt lìa hai cánh tay người đàn ông ở một trại nuôi nhốt hổ thí điểm của tư nhân tại Bình Dương, chuyên gia cho rằng còn lỗ hổng về quy định pháp lý trong việc bảo tồn động vật hoang dã.

Theo một cán bộ Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, hiện Nghị định 06/2019 là quy định mới nhất chủa Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về việc nuôi nhốt bảo tồn hổ.

Chuồng nuôi nhốt hổ xảy ra vụ hổ cắn đứt 2 tay người đàn ông ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Bà Ngô Thị Mai Hương – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt cho biết, với loài gấu thì đã có văn bản pháp luật quy định cụ thể về nuôi nhốt, nhưng đối với hổ, ở nước ta vẫn chưa có văn bản pháp lý nào hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng chuồng trại hay trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương trong quản lý trại nuôi hổ.

Về vấn đề an toàn trong quá trình nuôi hổ ở khu vực đông dân cư, bà Ngô Thị Mai Hương cho rằng, việc nuôi hổ trong các cơ sở tư nhân ở gần khu dân cư không đảm bảo yêu cầu an toàn. “Không an toàn cho chủ nuôi, cho cộng đồng xung quanh và cũng không an toàn cho hổ” – bà Hương nói.

Hổ nuôi trong một khu du lịch tại Bình Dương.

Theo bà Hương, những động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp giống như tài sản quốc gia, cần phải được bảo vệ, hỗ trợ của nhà nước. Những trại tư nhân mà điều kiện nuôi hổ không đảm bảo thì không giúp ích cho việc bảo tồn hay hỗ trợ loài động vật này. Vì vậy nhà nước cần hướng đến cấm các trại tư nhân nuôi nhốt động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như hổ.

Trước đó, Báo Lao Động đã đưa tin vụ hổ nuôi cắn người xảy ra chiều 4.6 tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh ở phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nạn nhân bị hổ cắn gây thương tích nặng là ông V.T.Q (49 tuổi, quê An Giang). Ông Q bị hổ cắn đứt rời cánh tay phải tới sát vai, tay trái cũng bị đứt rời từ khuỷu tay tới bàn tay.

Sau vụ hổ cắn người, cổng trại nuôi hổ luôn đóng kín.

Bình Dương có 3 cơ sở được nuôi hổ thí điểm. Đây là vụ hổ tấn công người thứ 2 liên tiếp trong 3 năm gần đây, làm dấy lên lo ngại về việc nuôi hổ trong khu dân cư.

Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, trong thời gian tới, Sở và các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra nghiêm ngặt điều kiện nuôi nhốt ở các cơ sở nuôi hổ thí điểm. Về cơ sở vừa xảy ra sự cố, Sở cũng đã yêu cầu chủ cơ sở tiến hành gia cố, sửa chữa gấp các chuồng hổ. Nếu cơ sở nào không đảm bảo các sẽ mạnh tay, dứt khoát phải đưa hổ đến nơi có điều kiện tốt nhất về bảo tồn động vật hoang dã quản lý.

ĐÌNH TRỌNG

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158