Cuộc chiến thị phần trên nền “số”

Đã đăng vào 11/06/2019 lúc 9:46

Hàng loạt trang thương mại điện tử đang báo cáo lỗ ngàn tỷ đồng nhưng vẫn mở rộng thị phần, chiếm lĩnh thị trường. 

Lỗ lũy kế liên tục tăng, các trang vẫn tranh nhau khuyến mãi, chiêu dụ khách hàng. Rõ ràng, đây là cuộc chiến giành thị phần chứ không phải kiếm lời từ mua bán. Big Data (dữ liệu lớn) chính là cái mà các đại gia trên thế giới đang hướng tới để thống lĩnh thị trường TMĐT.

Đua nhau… lỗ

Chỉ sau 3 năm, Tiki – trang bán hàng đang thu hút khách hiện nay – đã lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. Từ khi có vốn nước ngoài đầu tư vào thì Tiki càng mở rộng và tiếp tục lỗ nhiều hơn. Riêng mức lỗ năm 2018 lên đến 750 tỷ đồng (theo số liệu công bố trong báo cáo thường niên của đối tác Tiki là VNG). Mức lỗ này gấp gần 3 lần so với năm 2017, từ đó nâng tổng lỗ lũy kế của Tiki đến cuối năm 2018 vào khoảng 1.200 tỷ đồng.

Mặc dù lỗ rất lớn nhưng Tiki hiện vẫn là một trong những công ty đình đám hiện nay. Nếu năm 2016 công ty được định giá chỉ chưa đến 50 triệu USD, thì nay có thể đã lên đến vài trăm triệu USD.

Tương tự như vậy, Lazada cũng từng có mức lỗ lớn vào các năm 2015-2016 và lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 là hơn 3.100 tỷ đồng. Shopee cũng lỗ lũy kế trên 800 tỷ đồng đến cuối năm 2017. Các công ty khác về taxi điện tử, gọi đồ ăn, ví điện tử cũng đổ tiền vào để đầu tư giành thị phần. Điển hình như thanh toán online của ví điện tử Zalo Pay, năm 2018 công ty cũng lỗ hơn 130 tỷ đồng.

Khách nhận hàng từ GrabFood. Ảnh: THÀNH TRÍ

Cuộc cạnh tranh trên thị trường taxi công nghệ còn khốc liệt hơn. Khi Grab mua dữ liệu khách hàng thị trường Đông Nam Á của Uber đã khiến dư luận lo lắng Grab sẽ độc quyền lĩnh vực taxi công nghệ ở Việt Nam. Không ngờ sau đó hàng loạt phần mềm taxi công nghệ ra đời như Vato, Be, Fast Go, Go Viet, Tada…, khiến cuộc đua trở nên rầm rộ.

Đầu tư, chịu lỗ để giành khách hàng là cách thể hiện rõ nhất trong mảng taxi công nghệ. Các chủ phần mềm này sẵn sàng bỏ tiền ra khuyến mãi cho tài xế, giảm giá cước, tặng chuyến đi 0 đồng cho khách hàng. Do sẵn sàng chịu lỗ, kết quả, sau 5 năm Grab lỗ lũy kế 2.600 tỷ đồng; các đối thủ của Grab cũng phải chịu lỗ tương tự, nếu ai không đủ sức “chịu đòn”, phải bỏ cuộc thì sẽ mất trắng. Do vậy, cuộc chiến taxi công nghệ ngày càng khốc liệt hơn. Năm 2018 Grab lỗ 885 tỷ đồng, thì Go-Viet lỗ 550 tỷ đồng, Be lỗ 88 tỷ đồng chỉ sau nửa tháng hoạt động chính thức…

Hướng đến dữ liệu lớn

Mặc dù lỗ nhưng các công ty taxi điện tử đã góp phần lớn trong khai thác khách hàng tiềm năng. Rõ ràng đến giờ rất nhiều người đã thay đổi thói quen tiêu dùng, đã phụ thuộc vào xe công nghệ trong vận chuyển, đi lại.

Ngay cả việc thanh toán điện tử cũng đã có nhiều chuyển biến. Nhiều khách hàng đã tham gia thanh toán điện tử vì… khuyến mãi! Nếu như việc mua thẻ điện thoại qua ví điện tử Momo, khách hàng chỉ được hoàn tiền 2% sau giao dịch và cộng 2 điểm thưởng, thì ở Grabpay by Moca, mua qua ví điện tử của Grab được hoàn tiền lên đến 10% và điểm thưởng hơn 160 điểm (giao dịch mua thẻ điện thoại mệnh giá 100.000 đồng).

Tính đến cuối năm 2018, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab đã đạt được mức tăng trưởng vượt hơn 370% so với năm trước. Với GrabFood, sau một năm ra mắt đã đạt mức tăng trưởng gấp 250 lần. Hiện GrabFood mở rộng dịch vụ đến 15 tỉnh thành và trở thành mạng lưới giao nhận thức ăn rộng khắp. Còn Foody, năm 2018 cũng chịu mức lỗ tăng gấp 4 – lên hơn 430 tỷ đồng. Số lỗ của ví điện tử Momo cũng tăng gần gấp đôi – lên 440 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các ứng dụng này lại chịu lỗ nhiều như vậy? Các chuyên gia cho rằng, nếu đã đầu tư vào TMĐT, quan trọng nhất là thu thập dữ liệu người dùng, bằng cách tạo thói quen mua sắm, tiêu dùng qua mạng. Do vậy, các trang công nghệ này phải đua nhau khuyến mãi để kéo khách về. Tuy nhiên, kết quả sau cùng là trang nào có uy tín, bán hàng giảm giá, đúng chất lượng, sản phẩm sẽ tồn tại trên thị trường. Bởi, khuyến mãi giảm giá chưa phải là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, mà uy tín, chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định.


Thạc sĩ – luật sư PHAN HỒNG VIỆT (Đoàn Luật sư TPHCM): Doanh nghiệp ngoại luôn đi trước một bước

Để thành công trên thị trường TMĐT, điều cần trước tiên là sự “chịu đòn”, tức dám bỏ tiền và chịu lỗ để “chiêu dụ” người dùng. Thứ hai là tạo uy tín hệ thống. Thứ ba là tính pháp lý, làm sao khai thác lợi ích nhiều nhất mà không vi phạm pháp luật.

Như vậy, ở yếu tố đầu tiên đã thấy rõ, nguồn vốn của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài rất mạnh, họ sẵn sàng đầu tư hệ thống phần mềm thân thiện dễ sử dụng, bỏ chi phí khuyến mãi, nên các DN nhỏ lẻ không đeo bám nổi lâu dài sẽ bỏ cuộc và họ sẽ thao túng thị trường. Ngay cả hệ thống của Tiki của Việt Nam, sau khi có vốn đầu tư nước ngoài, đã giúp DN này mở rộng và phát triển mạnh hơn.

Ở yếu tố thứ hai, các DN nước ngoài xây dựng hệ thống quản trị tốt hơn, kết nối với các nhà cung cấp chính hãng nên hàng hóa cung cấp luôn chất lượng. Thậm chí, sau khi bán hàng xong, dù nhà cung cấp chịu trách nhiệm giao hàng và bảo hành, nhưng các trang bán hàng luôn khảo sát ý kiến khách hàng, đảm bảo đem lại sự hài lòng nhất. Trong khi đó, ở Việt Nam có rất nhiều trang bán hàng, nhưng do quản trị kém, hàng hóa chất lượng không cao lại mong muốn lợi nhuận lớn nên rất nhiều khách hàng mua hàng không đúng chất lượng, từ đó uy tín của trang bị giảm sút, khách hàng từ bỏ.

Ở yếu tố thứ ba, về tính pháp lý, các DN nước ngoài luôn khai thác tốt nhất những khoảng trống của pháp luật để vận dụng hiệu quả nhất. Taxi công nghệ là một điển hình, pháp luật phải theo sau để giải quyết. Họ đã làm đúng theo nguyên tắc “cái gì luật không cấm thì được làm”, vì vậy nên khó giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Trong khi đó, họ mang lại lợi ích cho khách hàng nên được khách hàng bảo vệ.

Do vậy, để TMĐT đi vào nề nếp, quan trọng nhất là Nhà nước phải “đi trước”, ban hành quy định rõ ràng để các DN cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, các DN trong nước phải thay đổi tư duy, liên kết tạo thành sức mạnh kinh tế và có ý thức xây dựng thương hiệu, tạo uy tín để giữ được khách hàng.

PGS-TS NGUYỄN HỒNG NGA (Trường Đại học Kinh tế – Luật): DN Việt Nam cần phải chuyên nghiệp mới cạnh tranh nổi

“Chiếc bánh” mang tên TMĐT là cực lớn và ngon ăn, với doanh số năm 2018 đạt 6,2 tỷ USD, tức chiếm hơn 5% thương mại bán lẻ tại Việt Nam. Vì vậy cuộc cạnh tranh trên TMĐT là hết sức khốc liệt và căng thẳng giữa các DN Việt Nam và nước ngoài.

Theo cá nhân tôi, muốn chiếm được thị phần và có thể cạnh tranh sòng phẳng tại sân nhà, các DN Việt Nam nên làm các việc sau đây: Tạo giao diện trang web bắt mắt, dễ tìm và dễ sử dụng; Tạo ra dịch vụ cạnh tranh thông qua giảm giá, tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, đổi trả hàng linh hoạt; Liên kết với các nhà sản xuất trong và ngoài nước để có mức giá cạnh tranh nhất, chất lượng chuẩn nhất và danh mục sản phẩm đa dạng nhất có thể. Không nên bán sản phẩm nhái và không rõ xuất xứ; Tăng cường quảng cáo trang web trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua khảo sát chọn kênh quảng cáo hiệu quả nhất; Đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng để chăm sóc và đảm bảo nguồn hàng nhanh, chất lượng về mẫu mã, bao bì và bảo hành; Theo dõi thông tin về khách hàng cùng khả năng mua sắm, thị hiếu, nghề nghiệp, giới tính, độ tuổi… để giới thiệu cho khách hàng những sản phẩm họ cần với giả định cam kết bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng; Có thể sáp nhập một vài DN kinh doanh TMĐT để tạo ra DN lớn, nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, quy mô thương mại để giảm giá bán, đa dạng  nguồn hàng hóa và sử dụng lợi thế kinh tế theo quy mô và lợi thế kinh tế theo phạm vi; Mạnh dạn đưa vào sử dụng dữ liệu lớn, các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo dựng hình ảnh đẹp và hiệu quả thông qua quảng cáo, thông qua nghiên cứu, khảo sát thị trường.

Ngoài ra, Nhà nước nên có thêm các chính sách ưu đãi cho DN kinh doanh TMĐT, nhất là các start up để các DN hình thành, phát triển và vươn xa.

HÀN NI

(Theo SGGP Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158