Cuộc đua miễn, giảm học phí bậc đại học để “hút” thí sinh

Đã đăng vào 08/01/2021 lúc 10:09

Nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2021. Năm nay, ngoài việc giữ ổn định phương thức tuyển sinh thì cuộc chạy đua thu hút nguồn tuyển cũng đang diễn ra căng thẳng, đặc biệt ở khối trường ngoài công lập. Không ít trường tung ra chính sách tặng học bổng, giảm học phí để thu hút người học và hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

So sánh mức tăng học phí của Trường Đại học Y Dược TPHCM trong 3 năm trở lại đây. Biểu đồ: Đặng Chung

Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút người học

Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2021, hiện nhiều trường đại học đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh dự kiến. Điểm đáng chú ý trong phương án tuyển sinh của các trường là sự xuất hiện nhiều ngành học mới, tập trung nhiều ở lĩnh vực công nghệ, kinh tế, phù hợp với nhu cầu của trường và tăng cơ hội chọn ngành nghề cho thí sinh. Phần lớn các trường vẫn tin tưởng sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, bên cạnh các phương thức như xét tuyển bằng điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế.

Bên cạnh đó, rất nhiều trường đã đưa ra các chính sách về học phí để thu hút người học. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm học 2021 – 2022, trường sẽ dành khoảng 60 tỉ tiền cấp học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt. Đây là nguồn động viên để sinh viên phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong học tập.

Năm học 2020-2021, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) đã có nhiều chính sách hỗ trợ người học về học phí. Cụ thể, trường miễn phí 100% học phí toàn khóa học cho các đối tượng: Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; Người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn… Đặc biệt, trường cũng miễn phí 100% học phí năm thứ nhất cho các sinh viên có kết quả thi đầu vào từ 25,0 đến 26,99 điểm (điểm bài thi 3 môn xét tuyển và điểm ưu tiên) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT… Các thí sinh trúng tuyển vào lớp đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp cũng sẽ được tài trợ toàn bộ học phí theo quy định từ năm thứ 3 trở đi, hưởng lương và phúc lợi khác căn cứ vào cơ cấu của doanh nghiệp năm 2021. Chính sách này dự định sẽ tiếp tục được duy trì để thu hút người học.

Theo đề án tuyển sinh 2021 mà Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vừa công bố, bên cạnh các phương thức tuyển sinh, trường còn có hàng loạt chính sách thu hút, đãi ngộ, cấp học bổng khuyến tài cho thí sinh. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, ngoài việc cấp học bổng học kỳ I năm học đầu tiên bằng 50% học phí cho thí sinh thuộc trường chuyên, năng khiếu, trường còn giảm 50% học phí cho thí sinh nữ học 10 ngành kỹ thuật, các học kỳ tiếp theo căn cứ vào kết quả học tập để xét giảm học phí. Miễn học phí cho 10 sinh viên ngành robot và trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, gia đình có con thứ 2 đang học tại trường cũng sẽ được giảm 20% học phí. Đây là những chính sách về học phí để trường có thể thu hút học sinh giỏi, gia tăng chất lượng nguồn tuyển đầu vào.

Việc giảm học phí cũng đang được nhiều trường ngoài công lập áp dụng, như một phương thức để cạnh tranh tuyển sinh. Năm học 2020-2021, Trường Đại học Duy Tân cũng thực hiện giảm học phí với hầu hết các ngành đào tạo của nhà trường, mức giảm từ 2,2 – 3 triệu đồng tùy từng ngành. Nhà trường lý giải, việc giảm học phí là nhằm hỗ trợ người học dưới tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19. Năm 2021, nhà trường đang cân nhắc tiếp tục duy trì chính sách này.

Còn theo PGS.TS Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, năm học 2021 – 2022, trường dự kiến tiếp tục duy trì quỹ học bổng hơn 20 tỉ đồng, dành 500 suất học bổng nhập học sớm là các khoá học Thương hiệu cá nhân (Stylist, MC, Giải phóng hình thể, Golf và Gym) cho thí sinh trúng tuyển vào 1 trong 66 ngành học đào tạo chính quy bậc đại học của nhà trường. Yêu cầu hoàn tất hồ sơ và học phí nhập học trước ngày 30.4.2021.

Ngoài ra, lần đầu tiên nhà trường áp dụng chính sách miễn giảm 100% học phí cho thí sinh xét tuyển và trúng tuyển vào ngành Giáo dục mầm non của trường. Điều kiện để được miễn giảm 100% học phí là thí sinh có điểm trung bình năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 từ 8 điểm trở lên; Có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo (có giấy xác nhận của địa phương cấp phường, xã). Đồng thời, nhà trường cũng cam kết đảm bảo đầu ra cho sinh viên theo học ngành này tại trường.

Vẫn lo ngại tự chủ khiến học phí tăng

Một trong những nhiệm vụ trong năm 2021 mà ngành giáo dục tập trung thực hiện là đẩy mạnh việc tự chủ đại học, để phát huy tiềm lực, nâng cao chất lượng trong cả hệ thống giáo dục đại học. Hiện đã có trên 50% cơ sở giáo dục đại học công lập hoàn thành việc thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường theo luật mới, tương ứng với việc đã đủ điều kiện để tự chủ theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Đẩy mạnh tự chủ cũng đồng nghĩa với việc học phí đại học sẽ tăng, theo cơ chế tính đúng, tính đủ chỉ phí đào tạo. Cũng vì thế, trong khi nhiều trường đại học tư đang tung các chính sách giảm học phí để thu hút thí sinh, thì khối các trường công lập lại rục rịch tăng học phí sau khi được tự chủ.

Theo đề án vừa công bố, từ năm 2021, bốn trường đại học thuộc ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tăng học phí trung bình gấp 2 lần hiện nay. Đó là các Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế – Luật, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Quốc tế. Cụ thể, khi thực hiện cơ chế tự chủ, 4 trường đại học này đã xây dựng lội trình áp dụng học phí mới từ năm 2021 đến năm 2025. Mức trung bình dự kiến từ 20,5 đến 66 triệu đồng/năm (tăng 2-3 lần so với các năm học trước).

Học phí tăng là tất yếu khi các trường đẩy mạnh quyền tự chủ, nhưng đây cũng là mối lo với các sinh viên con nhà nghèo, có thể là nguy cơ khiến các em phải dừng việc học. Để hỗ trợ người học, theo lãnh đạo các trường này, trường sẽ tính toán sẽ trích 8-10,8% học phí để hỗ trợ học bổng cho sinh viên. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa dự kiến chi từ 10,5 đến 10,8% học phí từng năm để chi cho học bổng, các trường còn lại chi 8% học phí.

Hiện khối các trường y-dược cũng rục rịch thực hiện việc tự chủ và xây dựng lộ trình tăng học phí. Trong bối cảnh khó khăn kinh tế như hiện nay, việc tăng học phí khiến không ít thí sinh lo lắng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường đại học, phụ huynh và thí sinh có thể yên tâm, vì thời gian tới sẽ có rất nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra với người học.

Bộ GDĐT: Đề xuất giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GDĐT đã đề xuất Chính phủ xem xét giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021-2022.

Theo đó, chính sách học phí và hỗ trợ chi phí học tập đang được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (ngày 2.10.2015) của Chính phủ, quy định về “Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021”. Do Nghị định số 86 chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020-2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GDĐT thực hiện từ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng Nghị định thay thế.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 là việc phải thực hiện để đảm bảo tính liên tục của quy định pháp luật. Quá trình xây dựng và đề xuất mức tăng học phí đã được tính toán dựa trên kế hoạch và các căn cứ hợp lý. Bích Hà

ĐẶNG CHUNG – DUY THIÊN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158