Đã xác định lý do người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Đã đăng vào 04/08/2020 lúc 10:33

Các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vì một số nguyên nhân, trong đó tìm việc làm, đi du lịch và số lượng tương đối đông vào Việt Nam để sang Campuchia đánh bài, theo Bộ Công an.  

Các đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Móng Cái bằng tàu bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Ảnh: CTV

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối 3.8, Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã giải đáp câu hỏi của báo giới về việc vì sao gần đây các đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam xuất hiện nhiều hơn so với khi trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng? Tại sao những đối tượng này vào sâu trong nội địa mới phát hiện ra?

Về vấn đề này, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ, liên quan tới người nhập cảnh vào Việt Nam, cần phân biệt rõ có 2 nhóm: Người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bất hợp pháp và số công dân Việt Nam ở các nước láng giềng trở lại trong nước. 

Theo đó, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam vì một số nguyên nhân, trong đó có: Tìm việc ở một số địa phương Việt Nam, đi du lịch và có “số lượng tương đối nhiều”  vào Việt Nam để sang Campuchia đánh bài, bởi Campuchia đã mở lại các sòng bài. 

Chánh văn phòng Bộ Công an thông tin, từ đầu năm đến nay, tại 27/63 địa phương của Việt Nam có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với tổng số là 504 người. Một số ví dụ cụ thể như: An Giang có 4 trường hợp, Bắc Ninh có 35 trường hợp, Đà Nẵng có 78 trường hợp, TP.Hồ Chí Minh là 12 người, Lai Châu có 36 người, Lạng Sơn có 29 người, Quảng Ninh có 126 trường hợp và Tây Ninh là 32 trường hợp. 

Từ tháng 6 đến nay, công an và biên phòng các địa phương phát hiện 21 vụ việc, với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Ông cho biết, Việt Nam đã khởi tố 5 vụ với 19 đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. 

Theo đại diện Bộ Công an, số đông tới hàng chục, hàng trăm người nhập cảnh là người Việt Nam lao động chui ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới sang bên kia biên giới làm việc.

Cũng trong cuộc họp báo, thông tin về cuộc điều tra nghi vấn công ty Tenma hối lộ để trốn thuế, Bộ Công an cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đã chỉ đạo các cục chức năng, chỉ đạo công an Bắc Ninh, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, tiến hành điều tra xác minh làm rõ,đồng thời có văn bản đề nghị thanh tra bộ Tài chính tiến hành thanh tra việc tiến hành nghĩa vụ nộp thuế của Tenma.

Thiếu tướng Tô Ân Xô lưu ý, do Tổng giám đốc đại diện pháp luật của công ty Tenma và Giám đốc hành chính sản xuất của Tenma đều xuất cảnh về Nhật Bản trước khi dịch COVID-19 bùng phát và đến nay chưa trở lại Việt Nam nên đến nay cơ quan điều tra Bộ Công an chưa thể làm việc trực tiếp với 2 đại diện này.

“Hiện nay Bộ Công an phối hợp Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các cơ quan liên quan để thu thập thông tin, tài liệu từ phía Nhật Bản để phục vụ điều tra” – Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin thêm. 

LIÊN ĐÔNG VƯƠNG

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158