Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đã đăng vào 03/02/2020 lúc 14:34

Trong công cuộc đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều lần nhắc đến: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay”.

Công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam có bước tiến vượt bậc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ảnh: TTXVN

Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế năng động của khu vực và thế giới

Sau đại hội VI (tháng 12.1986), Đảng không ngừng phát triển đường lối đổi mới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, bảo đảm đổi mới toàn diện, đồng bộ mang lại hiệu quả thiết thực.

Lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu. Đó là đổi mới triệt để cơ chế quản lý và các chính sách kinh tế. Điểm căn bản là chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hành chính, bao cấp, kinh tế hiện vật, khép kín sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Đến nay, có 5 thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân (gồm tư bản tư nhân và cá thể); kinh tế hỗn hợp; kinh tế 100% vốn nước ngoài. Trong các thành phần đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, đến nay kinh tế tư nhân đóng góp hơn 42% GDP.

Đảng chủ trương xây dựng kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chiến lược khoa học, công nghệ để sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Từ sau Đại hội XI (1.2011), Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm đã tập trung vào 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với cải cách hành chính; xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và đô thị hóa.

Đảng coi nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm và đã thành công trong lãnh đạo kinh tế. Đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội (1996), nền kinh tế phát triển vững chắc vượt qua tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ của khu vực (1997-2000), hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu của khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Tăng trưởng kinh tế GDP ổn định ở mức cao: 1990-1995: 8,2%; 1996-2000: 7%; 2001-2005: 7,51%; 2006-2010: 7%; 2011-2015: 5,9% và kế hoạch 2016-2020: 6,5-7%; năm 2019 đạt 7,02%. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động của khu vực và thế giới.

Đồng bộ các chính sách xã hội, văn hóa vì cuộc sống của nhân dân

Đảng thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, văn hóa vì cuộc sống của nhân dân. Từ thành tựu của phát triển kinh tế để thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và chính kết quả thực hiện các chính sách xã hội lại thúc đẩy kinh tế phát triển. Thành công lớn trong công cuộc đổi mới là chính sách xóa đói giảm nghèo được thực hiện trên quy mô lớn từ những năm 90 và mang lại kết quả tích cực, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến. Năm 2015, tổng kết 15 năm thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ, Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam là một trong những nước thành công nhất, đặc biệt là mục tiêu xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực. Hiện nay, Việt Nam tập trung vào 2 chương trình quốc gia: Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thành quả đổi mới chính sách kinh tế và chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Thu nhập tính theo đầu người từ 150 USD năm 1986 đến 2019 là gần 3.000USD. Tuổi thọ bình quân từ dưới 60 trước đổi mới, đến nay là gần 74. Chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng tăng lên. Đời sống văn hóa, tinh thần được Đảng, Nhà nước chú trọng. Đường lối của Đảng là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn liền với xây dựng con người trong thời đại mới. Đó là con người Việt Nam “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Đảng nhấn mạnh quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, đặt văn hóa ngang với chính trị, kinh tế. Con người có trí tuệ, đạo đức, sống có lý tưởng, có khát vọng vì sự phát triển giàu mạnh của đất nước, dân tộc.

Không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Từ tháng 3.1989, Đảng chủ trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị phù hợp với tình hình đất nước và quốc tế (trước đó dùng khái niệm hệ thống chuyên chính vô sản). Hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở bao gồm hệ thống tổ chức Đảng giữ vai trò lãnh đạo, tổ chức Nhà nước và chính quyền các cấp, Mặt trận và các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh). Sự vững vàng của hệ thống chính trị ở thời điểm lịch sử 1989-1991 đã bảo đảm cho đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vượt qua được thách thức khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, Liên Xô bị các thế lực thù địch tiến công và cả sự phản bội dẫn tới sụp đổ.

Đảng cầm quyền không ngừng được xây dựng, chỉnh đốn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, theo các Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (tháng 6.1992), Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII (tháng 6.1997) với chiến lược cán bộ, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (tháng 1.1999), đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (2012) và Nghị quyết Đại hội XII (tháng 1.2016), Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (2016). Đảng không ngừng nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ, đạo đức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, củng cố vị trí cầm quyền, chống nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, tham nhũng và suy thoái của cán bộ, đảng viên.

Quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu bảo vệ Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa được tăng cường với đường lối của Đảng là xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân…

Nhiều thành tựu về hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế

Đại hội VI đã nêu rõ quan điểm đối ngoại rộng mở. Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN 28.7.1995. Năm 1996, Việt Nam tham gia Liên minh kinh tế Á-Âu (ASEM). Ngày 14.11.1998, Việt Nam gia nhập Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Năm 2007, Việt Nam chính thức là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngày 30.6.2019, Việt Nam và EU ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Việt Nam là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 Và 2020 – 2021. Đến năm 2020, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia; quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước trong đó phần lớn là các nước công nghiệp hàng đầu (G7) và Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thành tựu về đối ngoại và hội nhập quốc tế có được, là nhờ thực hiện thành công đường lối đối ngoại do Đảng đề ra. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC – NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG (HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH)

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158