Dành nguồn vốn vay ưu đãi cho các lĩnh vực thiết yếu

Đã đăng vào 14/04/2020 lúc 14:44

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng ưu đãi cho vay hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của dịch COVIDd-19 đang được các ngân hàng thương mại triển khai hiện nay chủ yếu dành cho các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất các mặt hàng thiết yếu.

Sản xuất mặt hàng tôm để xuất khẩu (ảnh chụp trước ngày 1.4.2020). Ảnh: Nhật Hồ

Không để lĩnh vực thiết yếu thiếu vốn

Cụ thể đến hết tuần qua, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy các ngân hàng thương mại trên cả nước cho vay mới được gần 355.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt khoảng 180.000 tỉ đồng từ các chương trình tín dụng, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn mặt bằng lãi suất thông thường từ 0,5 – 3%/năm. Số vốn giải ngân mới này nằm trong các gói tín dụng có quy mô khoảng 285.000 tỉ đồng được các ngân hàng cam kết triển khai nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó chú trọng vào các nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và các khách hàng sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Chính vì vậy, trong tổng số 180.000 tỉ đồng vốn vay ưu đãi được các ngân hàng giải ngân đến thời điểm hiện nay, dư nợ cho vay tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề gồm công nghiệp chế biến – chế tạo (60.000 tỉ đồng), bán buôn bán lẻ (43.000 tỉ đồng) và nông lâm nghiệp, thủy sản (16.000 tỉ đồng).

Trong tổng số vốn vay ưu đãi được giải ngân đến nay nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn chiếm doanh số chủ yếu do có nguồn lực vốn mạnh và lượng khách hàng rộng lớn. Một lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, ngân hàng này giải ngân được hơn 17.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm nhằm đồng hành cùng khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh và giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện ngân hàng Vietcombank cũng cho biết, tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5 – 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay lên tới trên 120.000 tỉ đồng và có thể mở rộng tới 150.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, tính từ ngày 23.1 đến nay, ngân hàng cũng thực hiện giải ngân cho vay mới hơn  41.200 tỉ đồng nhằm góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, với gói tín dụng ưu đãi mới 30.000 tỉ đồng đang bắt đầu được ngân hàng triển khai, khách hàng thuộc đối tượng sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm lãi suất tới 2,5%. Lãi suất cho vay mới theo đó sẽ chỉ còn từ 4 – 4,5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay.

Thêm nhiều kênh vốn hỗ trợ mới

Đáng chú ý theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, cùng với hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng thương mại, cơ quan ngân hàng trung ương cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với trên 40.000 khách hàng với dư nợ tín dụng khoảng 1.400 tỉ đồng.

Đồng thời cho vay mới với hơn 275.000 khách hàng với doanh số cho vay là khoảng 12.000 tỉ đồng. NHNN cũng đang tổng hợp các kiến nghị, báo cáo Thủ tướng xem xét giảm lãi suất cho vay một số đối tượng, một số chương trình vay của VBSP để giảm bớt khó khăn cho đối tượng chính sách.

“Tới đây trong gói của Nghị quyết an sinh xã hội, NHNN sẽ hướng dẫn VBSP để thực hiện các thủ tục cho vay tái cấp vốn của NHNN cho VBSP khoảng 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0% để cho vay người lao động bị ngừng việc tạm thời” – Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Thực tế song song với hoạt động cho vay ưu đãi, các ngân hàng cũng vẫn tiếp tục đẩy mạnh cho vay nói chung nhằm đảm bảo đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế.

Cụ thể đến hết tháng 3.2020, số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng vẫn đạt mức tăng 1,3% so với con số đầu năm (với tổng dư nợ vào khoảng hơn 8,3 triệu tỉ đồng). Số liệu này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang hồi phục trở lại và tương đối khả quan sau khi hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm. Với kết quả tăng trưởng tín dụng của tháng 3.2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế trong năm nay sẽ vào khoảng 0,9 – 1,1 triệu tỉ đồng, tương đương mức tăng khoảng 11-14% so với tổng dư nợ gần 8,2 triệu đồng hồi đầu năm 2020.

VĂN NGUYỄN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158