Đề xuất Quốc hội giám sát tối cao về vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em

Đã đăng vào 16/04/2019 lúc 9:57

Quốc hội sẽ chỉ giám sát tối cao 1 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ chỉ giám sát 1 chuyên đề trong năm 2020. Chủ đề giám sát tối cao được nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực tư pháp.

Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Trình bày Báo cáo về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tính đến ngày 23-3-2019, trong tổng số 77 cơ quan xin ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.

Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời, rà soát những nội dung kiến nghị đề xuất này với những nội dung có liên quan đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

“Tổng Thư ký đã lựa chọn 7 nhóm nội dung và gửi xin ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến từ các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã họp xin ý kiến đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát 1 chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 1 chuyên đề”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ.

Về nội dung chuyên đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo Quốc hội. Đó là các nội dung: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em”; “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA)” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải”.

Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị lựa chọn 2 chuyên đề thứ nhất và thứ hai. Trong đó, đề nghị Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề thứ nhất, nhưng khoanh hẹp phạm vi trong lĩnh vực tư pháp.

Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội nói: “Tình trạng bạo lực học đường, xâm phạm tình dục trẻ em đang nổi lên, khiến xã hội rất bức xúc. Trong điều kiện các ngành, các cấp đang gấp rút chuẩn bị Đại hội Đảng, khối lượng các công việc khác rất lớn, phạm vi giám sát nên giới hạn lại trong hoạt động tư pháp”.

Bà đề nghị giao cho Ủy ban Tư pháp chủ trì vấn đề này, có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Về giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội và ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội  cùng nhiều đại biểu có nhiều ý kiến khác cùng đề nghị lựa chọn chuyên đề thứ hai (Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA).

Kết luận phiên họp, ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hai chuyên đề nêu trên sẽ được trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết định giám sát một trong hai chuyên đề. Chuyên đề còn lại sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

ANH PHƯƠNG

(Theo SGGP Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158