Dịch bệnh buộc chúng ta phải tử tế với thiên nhiên

Đã đăng vào 23/02/2020 lúc 15:40

Dịch bệnh đến từ thói quen xấu – tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã của không ít người. Từ con dơi đến con cầy hương (nguyên nhân gây dịch SARS) và bây giờ là con tê tê được các nhà khoa học nghi ngờ là vật chủ trung gian truyền virus Corona mới (COVID-19). 

Tê tê (xuyên sơn giáp) đang được các nhà khoa học nghi ngờ là vật chủ trung gian truyền virus Corona mới (COVID-19).

Tình cờ, khi làm chùm phóng sự “Chợ chim khổng lồ ở Hà Nội”, chúng tôi có liên lạc với các tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên, cả Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WCS) đều hồi đáp các thông tin đáng sợ về dịch bệnh do thói quen “ăn thịt môi trường”. Giở tư liệu, email của các tổ chức uy tín trên ra, chúng tôi sững sờ thấy họ khảo sát từ “mẫu vật” là các cá thể động vật hoang dã và thu được nhiều virus có tên Corona. Và cảnh báo đã được phát đi từ lâu, trong các bài viết, trong hồi đáp với phóng viên Báo Lao Động – người viết bài này.

1. Nhưng người ta vẫn “cái miệng làm khổ cái thân”, ăn hết, uống hết, tận diệt thiên nhiên vì những cái “lạc thú” mê lầm mù quáng của mình. Quan trọng hơn hết, nó phản khoa học và phản lại các giá trị nhân văn. Tất nhiên, nếu tạm thời coi tê tê là “vật chủ” truyền virus gây nên đại họa COVID-19, thì cần hiểu rằng, ở Việt Nam, săn bắt, buôn bán, vật chuyển, sử dụng tê tê không phải là chuyện hiếm. Tức là luật pháp Việt Nam và Công ước Quốc tế (mà Việt Nam là thành viên từ rất sớm) về việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã này rất đầy đủ nghiêm khắc. Hoặc như con cầy hương, từng bị coi là “thủ phạm” gây náo loạn địa cầu vì dịch SARS cũng vậy, đó là món “hàng lậu” được ăn uống, giết thịt nằm trong nhóm đầu các loài hoang dã ở nhà hàng “thịt thú rừng” ở nước ta. 

Tuy nhiên, vì sao nạn buôn bán giết thịt các loài hoang dã, trước hết là hai loài “nguyên nhân lây truyền dịch bệnh” kể trên vẫn không giảm? Và thảm họa COVID-19 vẫn xảy ra và chưa biết bao giờ mới kết thúc, sau khi con cầy hương tung hoành với dịch SARS từ 17 năm trước vẫn lù lù một bài học nhãn tiền? 

Mấu chốt nằm ở đây – chúng ta đang thiếu một thái độ kiên quyết, một bàn tay thép.

Sau khi biết con tê tê bị các nhà nghiên cứu tạm thời coi là “thủ phạm” gây ra đại dịch COVID-19, các tổ chức quốc tế liên tiếp có khuyến nghị: Khẩn trương chấm dứt tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên quy mô toàn cầu, nhất là các quốc gia trọng điểm ở Châu Á. Chính quyền Trung Quốc ra tay quyết liệt xử lý hàng vạn vụ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã, nhất là trong cuộc ra quân sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định cầy hương là vật mang mầm bệnh SARS. Và giờ đây, sau khi phát hiện và nghi ngờ con tê tê (xuyên sơn giáp) hiền lành là vật chủ trung gian truyền COVID-19; phải nói là những lời “tuyên chiến” với dịch chưa bao giờ quyết liệt đến thế. Chắc chắn thảm trạng sẽ bị chặn đứng, trước hết vì tính mạng con người, sau nữa vì sự đa dạng sinh học. 

Lẽ ra, chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch từ lâu. Vì rõ ràng, đại dịch ra đời từ thói quen ăn thịt động vật hoang dã, ngâm rượu uống “thi thể” động vật hoang dã. Tất cả điều này là vi phạm luật pháp nghiêm trọng. Kể cả bắt con chim con thú ngoài tự nhiên, hoang dã (không nằm trong danh sách cần bảo vệ đặc biệt hoặc danh mục loài quý hiếm) vẫn là sai, mức xử phạt có thể lên đến hàng tỉ đồng, và án tù khá nặng. Thế cho nên, việc kiến nghị hiện nay, về bản chất chỉ là đề nghị thực thi nghiêm luật pháp mà thôi.

Nếu coi việc bảo vệ động vật là sống còn cho tính mạng con người, trước thảm họa lây bệnh từ việc ăn thịt, sử dụng động vật rừng, thì không hề khó để chặn đứng các đường dây săn bắt, giết chóc, vận chuyển buôn bán, sử dụng “mặt hàng cấm” kể trên.

2. Thông qua Báo Lao Động, nhiều hành vi sai trái ở lĩnh vực trên đã được phơi bày. Nấu cao hổ, tàng trữ cả kho thú sống và thú chín ở Diễn Châu, Nghệ An. Các cỗ xe đông lạnh từ Lào về, bên dưới giấu đầy thú rừng. Không ít các nhà hàng từ Bắc đến Nam, từ Đồng Tháp, An Giang, ra Quảng Trị, ngược lên Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La là "hang ổ của nạn xẻ thịt thú rừng". Các điều tra đã gây chấn động trong giới bảo tồn và cơ quan quản lý, về tình trạng buôn bán giấy phép, “rửa động vật” ngoài tự nhiên vào trang trại, biến chúng thành “thú nuôi” để bán buôn. Các ổ buôn bán tê tê bị bắt giữ, các ông lang nghiền vảy tê tê làm thuốc, các thực khách “đại gia” ăn thịt tê tê 5-7 triệu đồngkg. Tất cả đều có ảnh, video, và phóng viên chỉ vào vai rất đơn giản để “lật mặt nạ” được vụ việc. Vậy, cơ quan chức năng tại sao không xử lý nổi?!

Nếu quy trách nhiệm cho cơ quan xử lý (công an, quản lý thị trường, kiểm lâm, chính quyền cơ sở) thì chỉ sau một thời gian rất ngắn, đảm bảo Việt Nam hầu như không có nạn buôn bán, giết thịt cầy hương hay tê tê (và nhiều loài hoang dã khác)! Vì sao? Vì thực khách đút tay túi quần gọi món được, thịt thú rừng còn đưa lên thực đơn ép plastic đưa lên bàn được, sao mà không bắt được? Chúng ta đã bất lực hay thờ ơ?

Nếu cơ quan chức năng và cao nhất là Chính phủ cam kết: Sẽ xử lý bất cứ đối tượng nào buôn bán, giết thịt, sử dụng, vận chuyển động vật hoang dã một khi người tố cáo hoặc nhà báo có đủ tài liệu, video và giám định tài liệu đó là trung thực, người dân không có lý do gì không chung tay vì sự nghiệp tử tế kể trên. Chỉ riêng hành vi quảng cáo bán sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã, đã đủ để xử lý rồi. Chưa kể vào “cơ sở”, chúng ta gặp được cả thú rừng nhốt tươi sống, thịt thú rừng nguyên con trong tủ trữ đông. Cớ sao không xử lý nổi? Chúng ta cũng nên treo giải thưởng lớn: Ai có tài liệu về việc bảo kê, việc “bán giấy tờ xác minh nguồn gốc” cho các đối tượng xâm hại đời sống sum vầy của các loài hoang dã sẽ được… một khoản tiền lớn. Đảm bảo, thảm họa lây bệnh từ giết mổ, ăn thịt động vật hoang dã sẽ gần như không có cơ hội hoành hành.

Liệu chúng ta có dũng cảm làm việc đó không? Hay mỗi khi thảm họa đến, chúng ta ra quân, rồi khi thảm họa tạm qua lại thu quân? Đó mới là điều đáng nói nhất lúc này.

Nhìn lại thảm họa của 20 năm tàn sát động vật hoang dã

Liên quan đến dịch COVID-19, ngày 16.2.2020, nhóm 10 tổ chức bảo tồn đã gửi thư ngỏ tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thư có nội dung “Liên quan đến dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu và hành động của Việt Nam để giải quyết các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp”. Theo đó, “Chúng tôi, đại diện các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, xin trình bày với Ngài một vấn đề vô cùng quan trọng liên quan đến chủng virus Corona mới (COVID-19) và biện pháp giảm thiểu các mối đe dọa khiến dịch bùng phát hơn”.

Thư nhấn mạnh các số liệu rất đáng chú ý, cần rút ra bài học và phải khẩn cấp hành động sao cho hiệu quả nhất, vì sự tồn vong của cả cộng đồng:

“Nhìn lại lịch sử gần đây, không ít đại dịch trong vòng 20 năm qua cho thấy, mối liên hệ rõ với các ổ chứa virus trong các quần thể động vật hoang dã. Dịch SARS cuối năm 2002 và đầu 2003 từng lây nhiễm cho hơn 8.000 người ở 37 quốc gia và khiến 774 người tử vong vốn xuất phát từ một chủng virus BetaCorona mới có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc (Paguma larvata). 

Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát vào năm 2012 khiến 2.494 người lây nhiễm và làm thiệt mạng 858 người cũng bắt nguồn từ một chủng virus Corona khác truyền qua lạc đà tới con người. 

Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) gần đây càn quét qua Trung Quốc, Việt Nam và 9 quốc gia khác cũng gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng và được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở Châu Phi. Tính đến cuối năm 2019, toàn bộ 63 tỉnh, thành Việt Nam đều chịu ảnh hưởng từ dịch ASF với hơn 5 triệu con lợn bị tiêu hủy. 

Thú rừng trong cảnh nhốt, xích, cầm tù.

Bài học từ dịch SARS và nay là COVID-19 rất rõ ràng: Các chủng virus mới sẽ tiếp tục lây truyền từ động vật hoang dã sang người trong quá trình buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Hạn chế sự tương tác giữa động vật hoang dã và con người thông qua việc thực thi pháp luật mạnh mẽ nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã và thị trường động vật hoang dã là cách tiếp cận hiệu quả nhất để giảm thiểu rủi ro trong tương lai liên quan đến truyền bệnh giữa động vật và người”.

LÃNG QUÂN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158