Doanh nghiệp trách nhiệm “1”, cơ quan quản lý “10”

Đã đăng vào 18/06/2019 lúc 9:53

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tình trạng chậm và hủy chuyến nói chung ở ngành hàng không trong những tháng đầu năm 2019 vào khoảng 16%. Tình trạng này tuy chỉ là thiểu số, song vẫn gây ra nhiều bức xúc cho hành khách. 

Hành khách vạ vật tại sân bay

Luôn có những lý do cho việc chậm trễ, bởi suy cho cùng, chắc chắn không hãng hàng không nào muốn chậm hoặc phải hủy chuyến bay với hành khách của mình; sự ủng hộ của hành khách chính là điều kiện để các hãng phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường hàng không cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Hiện Việt Nam có tới 5 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways. 

Thế nhưng, sự canh tranh khốc liệt vừa là điều buộc các hãng hàng không “muốn sống còn” phải giữ uy tín với hành khách, nhưng cũng là môi trường khiến họ dễ đưa đến các quyết định “làm vội”, miễn là kéo được hành khách. Người viết bài đã từng ít nhất một lần bị thông báo delay cả tuần trước khi bay. Câu chuyện như sau: Do có kế hoạch nghỉ hè, tôi chủ động đặt mua vé máy bay trước 1 tháng. Kế hoạch đi các nơi đã sẵn sàng thì 1 tuần trước ngày bay, tôi nhận được tin nhắn thông báo, chuyến bay dời lại 2 ngày… Mọi thứ thế là đảo lộn.

Quay trở lại với hãng máy bay, rõ ràng với thời gian thông báo delay như vậy, không thể nói đây là sự cố bất khả kháng. Khó có thể có lời giải thích hợp tình hợp lý nào cho hãng máy bay trong trường hợp này. Sự thật là, họ chưa sắp xếp được chuyến bay nhưng vẫn bán vé cho hành khách, đến gần ngày bay thấy hành khách không nhiều, họ quyết định dồn chuyến. Một quyết định được cho hãng hàng không và hoàn  toàn không được cho hành khách. 

Vấn đề đặt ra ở đây, tại sao các hãng hàng không vẫn có thể đưa ra các quyết định như vậy? Có nhiều nguyên nhân, song như nhiều chuyên gia hàng không nhận xét, quan trọng nhất là mức bồi thường của các hãng hàng không cho hành khách khi bị chậm, hủy chuyến còn thấp. Theo Thông tư 27/2017 của Bộ GTVT quy định về bồi thường trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, mức bồi thường hủy, chậm chuyến kéo dài đối với đường bay trong nước từ 200.000 đồng/người/ đối với đường bay dưới 1.000km đến 400.000 đồng/người/đối với đường bay từ 1.000km trở lên… Đối với đường bay quốc tế, mức bồi thường từ 25 USD/người/đường bay dưới 1.000km đến 150 USD/người/đường bay trên 5.000km. Mức bồi thường này so với những thiệt hại nếu như các hãng hàng không không dồn chuyến, hủy chuyến, để có những chuyến bay nhiều hành khách hơn, theo nhiều chuyên gia, không đáng kể. Chính vì vậy, họ mới dám có các quyết định “làm vội” như vậy.

Thế nhưng, cũng theo các chuyên gia, nếu phải quy trách nhiệm cho các hãng hàng không thì chỉ quy “1” còn phải quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý tới “10”. Bởi là doanh nghiệp nên các hãng hàng không sẽ lấy mục tiêu lợi nhuận làm đầu. Và cơ quan quản lý với tư cách là cơ quan đại diện cho Nhà nước, cho nhân dân phải làm cho được nhiệm vụ cân đối giữa lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp. Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển, song cơ quan quản lý cũng phải xây dựng cho được hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Cụ thể ở đây, nên chăng nâng mức phạt do chậm, hủy chuyến bay? Một sự bình đẳng sẽ là cơ sở quan trọng để phát triển bền vững.

TÂM ĐỨC

(Theo SGGP Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158