“Đừng mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức”

Đã đăng vào 05/11/2020 lúc 17:02

Văn hóa từ thiện là nội dung đáng chú ý được đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Đoàn Khánh Hòa) đề cập trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội tại Quốc hội ngày 5.11.

"Văn hoá từ thiện" là cụm từ được Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Đoàn Khánh Hoà) nhắc tới đầu tiên trong phần phát biểu của mình.

“Những ngày gần đây cụm từ này được nhắc nhiều trên các mặt báo trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều. Tại sao lại như vậy, khi mà một hoạt động từ thiện tự thân đã là một hành vi văn hóa cao và nhân đạo”, bà Thu đặt câu hỏi.

Theo nữ đại biểu này, từ thiện là thước đo văn minh của một cá nhân, tổ chức và rộng hơn là một quốc gia dân tộc. Mà dân tộc ta thì có truyền thống “yêu nước, thương nòi”, đã có rất nhiều câu ca dao tục ngữ như “Thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”…

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu – Đoàn Khánh Hoà. Ảnh QH

Bà Thu cho biết, hình ảnh những cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân tổ chức từ thiện đến với các vùng thiên tai để chung tay góp sức sẻ chia khó khăn giúp người dân miền Trung đã chứng minh cho tinh thần tương thân tương ái của văn hóa Việt.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Khánh Hòa cho rằng làm từ thiện cũng phải có văn hóa, văn hóa từ thiện, đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức.

“Nhiều người mang quần áo không còn dùng được hoặc lỗi mốt, lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ, đồ ăn thức uống sắp hết hạn sử dụng để cho người nghèo và đã làm tổn thương họ vì họ cũng là những người rất giàu lòng tự trọng và dễ bị tổn thương.

Của cho không bằng cách cho, cả văn hóa cho nhận cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không bị cảm giác băn ơn, bố thí, nhận làm sao để người cho cảm thấy vui và hạnh phúc. Các cụ ta có câu “làm ơn, nhớ chịu ơn, chớ nên quên” là vậy”, bà Thu nói.

Trong mưa lũ, xuất hiện nhiều đoàn từ thiện cứu trợ đồng bào vùng lũ. Ảnh Danh Lam

Bà Thu cho biết, vừa qua, Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo đã giúp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng, cập nhật gần 20.000 địa chỉ nhân đạo để cung cấp thông tin trực tiếp cho người làm từ thiện.

Người cho có thể kết nối trực tiếp với người nhận, cho những gì người đó cần và Hội Chữ thập đỏ đóng vai trò điều phối và giám sát nếu cần thiết. Hay VNPost, Ngân hàng quân đội MB sẽ tham gia vận chuyển hàng và tiền đến trực tiếp các địa chỉ nhân đạo có nhu cầu của các cá nhân, tổ chức, mạnh thường quân.

“Công tác thiện nguyện sẽ được từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để đạt hiệu quả cao hơn, minh bạch và tiết kiệm hơn.

Tôi mong Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các địa phương sử dụng ứng dụng này, để văn hóa cho – nhận, văn hóa từ thiện được nâng cao và công tác nhân đạo từ thiện được thực hiện một cách khoa học, chuyên nghiệp, hiệu quả và nhân văn hơn”, bà Thu phát biểu.

VƯƠNG HÀ CHUNG

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158