“Đường chín đoạn” phi lý không thể biện minh cho yêu sách của Trung Quốc

Đã đăng vào 30/08/2019 lúc 9:04

Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) – tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn – mới đây đã gửi thư ngỏ cho Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) – giáo sư Hoàng Tiến – bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây do phía Trung Quốc gây ra trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở nam Biển Đông.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn. Ảnh: VSIL

Bức thư nêu rõ, những hoạt động của tàu Hải Dương 8 và các tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực nói trên vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và đi ngược lại những thoả thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, ảnh hưởng đến tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc.

Trong thư ngỏ, tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn cho biết, ông không nói về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa – điều đã được Chính phủ Việt Nam khẳng định nhiều lần – mà chỉ tập trung trao đổi với Chủ tịch CSIL dưới góc độ pháp lý những hoạt động hiện nay của tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8. “Với những quy định đầy đủ và hoàn chỉnh của UNCLOS nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được nhận thức chung dựa trên căn cứ khoa học và pháp lý khách quan, từ đó góp phần làm giảm căng thẳng, đóng góp vào việc phát triển hoà bình, ổn định trên Biển Đông, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân hai nước, cũng như của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới” – tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn viết.

Hoạt động của tàu Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng UNCLOS

Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn khẳng định, khu vực mà tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 đang hoạt động nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, được xác định trên cơ sở Điều 57 và Điều 76 của UNCLOS. Đây hoàn toàn không phải là khu vực chồng lấn hoặc có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Căn cứ quy định của UNCLOS, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý thiết lập phạm vi và chế độ pháp lý tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Theo đó, Việt Nam thực thi các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

Theo quy định của UNCLOS, quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có tính đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò hay khai thác tài nguyên ở các vùng này thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động này nếu không được phép của quốc gia ven biển. Mọi hoạt động thăm dò, khai thác, khảo sát nghiên cứu đối với tài nguyên ở đó đều phải được sự chấp thuận rõ ràng của quốc gia ven biển.

Thư ngỏ nhấn mạnh, hoạt động của tàu Hải Dương 8, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam, đã vi phạm nghiêm trọng quy định của UNCLOS và luật pháp Việt Nam liên quan đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Hoạt động của các tàu Trung Quốc khác nhằm cản phá hoạt động chấp pháp của các tàu cảnh sát biển Việt Nam vi phạm nghiêm trọng các quy định trên và tạo ra nguy cơ mất an toàn hàng hải trong khu vực này.

“Đường chín đoạn” phi lý

Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn viết trong thư ngỏ trao đổi với Chủ tịch CSIL rằng, một số chuyên gia luật quốc tế Trung Quốc viện dẫn “đường chín đoạn” để biện minh cho các yêu sách về “các quyền lịch sử” hay “một danh nghĩa lịch sử” của Trung Quốc tại các vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn” này. Mặt khác, Trung Quốc cũng dựa vào UNCLOS để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng tính từ các quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc là một trong các bên yêu sách chủ quyền. Với những viện dẫn nêu trên, Trung Quốc cho rằng khu vực biển mà tàu Hải Dương 8 và các tàu khác của Trung Quốc đang hoạt động là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Điều này là hoàn toàn phi lý. Không có bất cứ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế và UNCLOS cho “đường chín đoạn”. Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới cũng chưa từng công nhận bất kỳ một hàm ý về phạm vi quyền đối với vùng biển được gán cho “đường chín đoạn” này. Cũng không thể coi vùng biển mà Hải Dương 8 đang hoạt động là vùng biển của quần đảo Trường Sa vì quần đảo Trường Sa không phải là một quốc gia quần đảo, do đó không đáp ứng các tiêu chuẩn mà UNCLOS quy định để có thể vẽ đường cơ sở quần đảo bao quanh toàn bộ Trường Sa và từ đó yêu sách các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo.

Mọi áp dụng trái với UNCLOS không có giá trị

Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn cho biết, có những chuyên gia luật quốc tế Trung Quốc sử dụng một đoạn trong lời mở đầu của UNCLOS “khẳng định rằng, các vấn đề không quy định trong Công ước sẽ tiếp tục được xử lý bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung” để biện minh cho các lập luận về yếu tố lịch sử và các yêu sách mập mờ nhằm tạo nên các vùng biển chồng lấn của Trung Quốc với các quốc gia ven Biển Đông.

Các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, cũng như các vấn đề quốc gia quần đảo, vùng nước quần đảo đều là những vấn đề đã được UNCLOS quy định rõ ràng, hoàn toàn không phải là “các vấn đề không được quy định”.

NGỌC VÂN

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158