Giá lợn lao dốc vì dịch tả Châu Phi, CPI 5 tháng đầu năm tăng nhỏ giọt

Đã đăng vào 29/05/2019 lúc 14:53

Bình quân 5 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018 – mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Giá thịt lợn lao dốc do dịch tả lợn Châu Phi đã kìm mức tăng CPI thấp nhất trong 3 năm gần đây. Ảnh: Kh.V

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2019 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 1,5% so với tháng 12.2018, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018 – mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá, gồm nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,64%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 1,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,05%.

Chỉ có 2 nhóm hàng giảm giá là thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,06%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính làm CPI tháng 5. 2019 tăng là bởi giá xăng dầu điều chỉnh 2 đợt: tăng vào ngày 2.5.2019 và giảm vào ngày 17.5.2019, tổng cộng giá xăng A95 tăng 360 đồng/lít, xăng E5 tăng 780 đồng/lít, dầu diezen tăng 230 đồng/lít nên bình quân giá xăng dầu tăng 5,93% so với tháng trước làm tăng CPI chung 0,25%.

Giá điện tăng do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện trong tháng 3.2019, bên cạnh đó thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng điện và nước tăng làm cho giá điện sinh hoạt tăng 6,86% và giá nước sinh hoạt tăng 1,17%.

Giá gas tháng 5.2019 tăng 0,6% so với tháng 4.2019 do giá gas thế giới bình quân tháng 5.2019 công bố ở mức 527,5 USD/tấn, tăng 2,5 USD/tấn so với tháng 4/2019.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,66% do nhu cầu xây dựng tăng cùng với chi phí đầu vào tăng nên giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng như: Sắt, thép, xi măng và giá nhân công xây dựng tăng theo.

Từ tháng 4.2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng giá sách giáo khoa năm học 2019 – 2020 làm cho chỉ số giá nhóm sách giáo khoa tăng 0,65%.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 5.2019, như:  Giá gạo giảm 0,5% so với tháng trước do các địa phương trên cả nước đang thu hoạch vụ lúa Vụ Đông Xuân nên sản lượng lúa dồi dào.

Bình quân chung cả nước, giá thịt lợn tháng 5.2019 tiếp tục giảm 0,6% so với tháng 4.2019, mức giảm này thấp hơn mức giảm 3,07% của tháng 4.2019, do dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng trên 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giá dịch vụ y tế giảm 0,1% do thay đổi giá dịch vụ y tế đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế theo các Quyết định của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Thanh Hóa, Hà Nội, Hưng Yên, Sơn La, Yên Bái và Đồng Tháp được quy định trong Thông tư số 37/2018/TT-BYT. 

KHÁNH VŨ

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158