Giải cứu đào tạo nghề

Đã đăng vào 24/07/2019 lúc 15:19

Từ năm 2017, các trường cao đẳng (CĐ) nghề, CĐ chính quy (gọi chung CĐ) tách khỏi Bộ GD-ĐT và trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH. Đến nay, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng năm nào các trường CĐ cũng gặp khó trong khâu tuyển sinh. 

Năm nay sẽ còn khó khăn hơn khi mà trên 887.000 thí sinh dự thi, nhưng tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học (ĐH) 514.214; trong đó, cao đẳng sư phạm (CĐSP) và trung cấp sư phạm (TCSP) có 25.214 chỉ tiêu. Gần 372.000 thí sinh còn lại có vào hết CĐ vẫn chưa đủ chỉ tiêu mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đưa ra trong năm 2019, với 560.000 chỉ tiêu.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tuyển sinh hệ CĐ năm nay lên đến 3.310 chỉ tiêu

Khó tuyển sinh

Cả nước hiện có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó 397 trường CĐ (nhiều hơn cả trường ĐH), nhưng kết quả tuyển sinh ở từng vùng miền qua các năm lại rất khác biệt. Theo Tổng cục GDNN, năm 2018, GDNN tuyển sinh được 2,21 triệu thí sinh, đạt 100,5% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, cả trình độ trung cấp và CĐ chỉ chiếm khoảng 25%, khoảng 545.000 người. Nếu phân tích kỹ ở từng vùng kinh tế – xã hội, càng thấy rõ sự bất cập. Trong tổng số chỉ tiêu tuyển được, khu vực Tây Nguyên, hệ CĐ chỉ chiếm 3%; Đông Nam bộ 27,9%; vùng đồng bằng sông Hồng 27,7%; vùng ĐBSCL 11,3%. Nếu tính theo từng địa phương thì có 7/63 tỉnh tuyển sinh đạt dưới 200 sinh viên CĐ và 3 tỉnh không tuyển sinh được.

Tổng cục GDNN nhận xét, dù GDNN đã được chuyển về Bộ LĐ-TB-XH quản lý gần 3 năm nay, nhưng thực tế một số địa phương chưa có sự đồng thuận trong việc bàn giao và vận hành quản lý, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo. Song song đó, năng lực của một số cơ sở đào tạo nghề hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành; chưa hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để hỗ trợ người học thực tập và tìm kiếm việc làm. Đồng thời, công tác dự báo thông tin về cung – cầu của hệ thống GDNN và thị trường lao động trong nước, thế giới chưa theo kịp thực tiễn.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng phương thức tuyển sinh ĐH có nhiều sự thay đổi (chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài nên thu hút phần lớn học sinh vào học ĐH, trong khi số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm không tăng nhiều) đã tạo áp lực cho các cơ sở đào tạo nghề trong công tác tuyển sinh.

Trường ĐH phải dừng tuyển sinh CĐ

Từ năm 2015, Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT yêu cầu những trường ĐH đang đào tạo hệ CĐ phải giảm chỉ tiêu ít nhất 30%/năm học, tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo hệ CĐ trước năm 2020. Quy định là vậy nhưng hiện nay rất nhiều trường ở TPHCM như ĐH Công nghiệp, ĐH Công nghiệp Thực phẩm, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Công nghệ, ĐH Kinh tế Tài chính… vẫn tuyển sinh hệ CĐ.

Năm 2018, Trường ĐH Công nghệ TPHCM tuyển 800 chỉ tiêu CĐ; năm 2019 cũng tuyển 800 chỉ tiêu. Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM tuyển 1.750 chỉ tiêu CĐ; Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tuyển đến 3.310 chỉ tiêu CĐ (năm 2018 tuyển 3.500 chỉ tiêu)…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân cho biết đã chỉ đạo Tổng cục GDNN ban hành văn bản yêu cầu các trường ĐH thực hiện đúng việc dừng đào tạo hệ CĐ. Nhưng xem ra các trường ĐH vẫn chưa chịu buông. TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, nhận xét so với năm ngoái, năm nay tình hình tuyển sinh của các trường CĐ đối diện nhiều thách thức hơn. “Do nhiều trường ĐH đua nhau xét học bạ nên thí sinh chỉ mong muốn vào ĐH và các trường CĐ vắng thí sinh”, TS Lê Lâm băn khoăn.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng một khi trường ĐH vẫn đào tạo hệ CĐ thì vô tình phá vỡ quy hoạch mạng lưới các trường CĐ vốn có cùng ngành đào tạo CĐ trong trường ĐH; sinh viên CĐ tốt nghiệp trong trường ĐH lại chưa đủ khả năng ra thị trường lao động…

Th.S Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TPHCM, thẳng thắn: “ĐH đào tạo theo hướng hàn lâm, còn CĐ theo hướng ứng dụng thực hành nên phương thức đào tạo rất khác nhau. Do đó, nếu các trường ĐH vẫn không bỏ hệ CĐ, sẽ dẫn đến mất cân đối trong thực hiện chủ trương phân luồng, người học không được thực hành nhiều, dẫn đến ra trường thiếu kỹ năng nghề nghiệp và… thất nghiệp”.

Vì vậy, để hướng đến đào tạo chuyên nghiệp theo định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng, các trường ĐH phải chấm dứt đào tạo hệ CĐ. Từ đó tiến tới chuyên biệt hóa từng loại hình đào tạo trong hệ thống giáo dục đã được phê duyệt cụ thể khung trình độ quốc gia từ năm 2016.

Tuy nhiên, để thu hút thí sinh và tạo ra nguồn lực lao động chất lượng cao, bản thân các cơ sở GDNN đào tạo trình độ CĐ theo khung trình độ quốc gia, phải đảm bảo phối hợp được tính liên thông trong chương trình, hợp tác và đào tạo tại doanh nghiệp để đảm bảo thích nghi linh hoạt và tiếp cận thực tế nghề nghiệp của ngành đào tạo. “Các trường phải đảm bảo chất lượng giáo dục theo chuẩn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động”, TS Lê Lâm khẳng định.

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định tại khoản 2, Điều 6: “Các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”. Do đó, trong bối cảnh hệ CĐ đã chuyển giao về lĩnh vực GDNN thuộc Bộ LĐ-TB-XH, các trường ĐH cần phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Giáo dục ĐH là dừng ngay việc tuyển sinh và đào tạo hệ CĐ.

THANH HÙNG

(Theo SGGP Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158