Giảm thuế nhập khẩu thịt gà, thịt lợn từ Mỹ: Ai được lợi?

Đã đăng vào 10/12/2019 lúc 10:05

Bộ Tài chính vừa có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, những mặt hàng như gà, táo nho sẽ được giảm thuế nhập khẩu. Trong khi đó, dù Chính phủ đã “bật đèn xanh” về việc nhập khẩu thịt lợn nhưng Bộ Tài chính cho rằng vấn đề này cần cân nhắc.

Thịt gà, lợn nhập khẩu có thể giảm giá nếu đề xuất giảm thuế nhập của Bộ Tài chính được chấp thuận ngay trong năm 2020.

Về lý do đề ghị giảm thuế nhập khẩu thịt gà, Bộ Tài chính thông tin: Tại công văn ngày 8.11.2019, ĐSQ Mỹ kiến nghị giảm từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028.

Qua số liệu thống kê so với năm 2018, lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay và theo đánh giá của Bộ NNPTNT thì việc tăng lượng nhập khẩu xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân dịch tả lợn nên người dân chuyển sang tiêu dùng thịt gà.

Trong các nhóm hàng nông nghiệp, nhóm mặt hàng thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, trong các Hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán, nhóm hàng này luôn trong nhóm nhạy cảm cao, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết. Do vậy, các Biểu thuế hiện hành cũng cơ bản giữ mức trần cam kết khi chưa đến thời gian cắt giảm cuối cùng do thịt gà là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, kể cả theo thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, đồng thời là mặt hàng của người nông dân, các gia đình, hộ dân đều có thể tăng gia sản xuất tại nhà nên qua đó đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với mức thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất.

Căn cứ thông tin phân tích nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%). Mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định CPTPP.

Đánh giá tác động của phương án, Bộ Tài chính cho biết, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc giảm thuế do giá sản phẩm giảm. Trong trường hợp giảm thuế từ 20% xuống 18%, lấy theo kim ngạch nhập khẩu (KNNK) chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 3 triệu USD, tương đương 69 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó với việc giảm thuế MFN thì không chỉ Mỹ được hưởng mà thị trường Braxin, Ba Lan cũng được hưởng ưu đãi theo và qua đó thì cũng có thể dẫn đến sự gia tăng của hàng nhập khẩu không chỉ từ Mỹ, Braxin, Ba Lan mà còn có các thị trường khác chưa xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam nhập khẩu thịt gà các loại từ Hoa Kỳ, bình quân chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%. Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt (mã số HS 020712 và mã số HS 020714), chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà; trong đó, đùi gà chiếm tỉ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).

Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu thịt gà có thể ảnh hưởng tới những người chăn nuôi. Theo đánh giá của Bộ Công Thương việc nhập khẩu thịt gà tăng mạnh trong năm 2019 có thể tác động đến ngành chăn nuôi trong nước. Cụ thể là giá gà trong nước cũng giảm theo, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên Bộ này cũng đánh giá, đó không phải là nguyên nhân chính mà là khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt lợn, vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát.

Chỉ giảm nhẹ với thịt lợn

Cùng với thịt gà, Uỷ ban Nông nghiệp Hoa Kỳ đề nghị giảm thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027.

Về việc này, Bộ Tài chính đánh giá, theo số liệu thống kê của Hội chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn và thứ 7 toàn cầu về số lợn giết mổ. Hiện nay trên cả nước vẫn còn 85% đàn lợn, lượng đàn lợn tiêu hủy chiếm khoảng 15%. Trường hợp thiếu thịt lợn, Việt Nam sẽ mở rộng quy mô tái đàn và bù đắp bằng gia tăng sản lượng bò, dê, gà. Việc tăng nhập khẩu thịt lợn, trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định, nhưng trong ngắn hạn, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng được. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với thịt lợn nhập khẩu, vẫn sử dụng thịt lợn sản xuất trong nước là chính.

Ngoài ra, từ tháng 6 đến nay, giá thịt lợn tăng trở lại do lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Mặt khác, các đầu mối đẩy mạnh thu mua xuất lợn sống sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (Trung quốc dừng nhập khẩu thịt lợn của Mỹ và có xu hướng chuyển qua nhập từ các nước khác trong đó có Việt Nam). Dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ thiếu hụt trong năm nay, đặc biệt dịp cuối năm. Việc thiếu hụt không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác.

Từ các phân tích trên, trước mắt để đáp ứng đề nghị của phía Mỹ, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 22%.

Việc chỉ đồng ý giảm thuế xuống 22% (thay vì 18,9% như phía Mỹ đề xuất) được cho là vừa đảm bảo chăn nuôi trong nước tránh xảy ra một cuộc nhập khẩu thịt ồ ạt nhất là dịp cuối năm nhưng cũng vừa đủ để các doanh nghiệp mạnh dạn nhập khẩu thịt để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi tháng 11 vừa qua , 2 Bộ đã thống nhất sơ bộ số liệu cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn các tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 như sau: Dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn (tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70 nghìn tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1).

LINH ANH

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158