Hàng hóa Việt Nam không còn phải phụ thuộc một thị trường

Đã đăng vào 19/02/2020 lúc 9:31

Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). Thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ chuyển dịch như thế nào, doanh nghiệp cần làm gì để hái “trái ngọt”?

May xuất khẩu ở một doanh nghiệp tại quận 7, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

“Lối thoát” cho nông sản Việt

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Trong bối cảnh tình hình chính trị – an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. EVFTA là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường châu Âu và là điều kiện để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, 85% dòng thuế của Việt Nam giảm xuống còn 0% ngay sau khi có hiệu lực và 7 năm sau tỷ lệ dòng thuế được xóa bỏ nâng lên 99%. EVFTA là cơ hội lớn cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng…

“Trong bối cảnh việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do các diễn biến phức tạp của Covid-19, EVFTA được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với trên 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, giảm thiểu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU và mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp rất nhiều thách thức bởi EU là thị trường “khó tính nhất thế giới”. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản đánh bắt bất hợp pháp hay không dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép). Hay các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, các hiệp hội và doanh nghiệp của ta phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do EVFTA đem lại. Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh chất lượng ngành nông nghiệp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của châu Âu.

Sân chơi lớn cho dệt may

Theo Công ty Chứng khoán SSI, EVFTA dự kiến sẽ mở rộng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU, thị trường lớn thứ hai đối với các sản phẩm của Việt Nam. Trong năm 2019, EU nhập khẩu 4,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu dệt may từ Việt Nam, tăng 2,2% so với năm ngoái. Hàng may mặc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ Việt Nam.

May xuất khẩu ở một doanh nghiệp tại quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Việt Nam được hưởng lợi từ chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển, với mức thuế suất ưu đãi là 9% đối với một số dòng thuế hạn chế. Sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP. Điều đó có nghĩa là trong 2 năm đầu tiên triển khai EVFTA, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi vì mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9% như hiện nay. Cụ thể, hầu hết các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ thấy thuế xuất khẩu được loại bỏ dần khỏi biểu thuế MFN từ 12% xuống 0% trong 3 – 7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Những sản phẩm sẽ được giảm thuế ngay lập tức là những sản phẩm không phải là hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU như sợi.


Theo quy tắc xuất xứ trong EVFTA (ROO), các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Có một số điểm linh hoạt như hàng may mặc được sản xuất tại Việt Nam từ các loại vải được sản xuất tại Hàn Quốc mà EU có FTA cũng sẽ đủ điều kiện để được miễn thuế. Tuy nhiên, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, có giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.

Cũng theo SSI, trên thực tế, không có nhiều công ty trong nước có khả năng hưởng lợi đầy đủ từ EVFTA do quy định ROO. Trong số các công ty sợi niêm yết trong nước, hiện tại không có công ty nào có thị phần xuất khẩu sang EU. Trong ngắn hạn, ngành dệt may tiếp tục thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do Covid-19 bùng phát. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã gia tăng thời gian đóng cửa kể từ Tết Nguyên đán, khiến việc sản xuất vải bị trì hoãn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang Việt Nam. Do đó, khiến nhiều đơn hàng mà các công ty Việt Nam phải giao cho khách hàng bị chậm trễ, điều này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hầu hết các công ty may mặc.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, cơ hội lớn mở ra, nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Về lý thuyết, ở những lĩnh vực nào có đối đầu trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp EU thì cạnh tranh trong EVFTA sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như: logistics, chăn nuôi… Mặc dù vậy, ngay cả với những ngành này, chúng ta cũng không phải quá lo lắng, bởi các cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA là có chừng mực, với lộ trình đủ dài, vừa với sức vươn lên của các doanh nghiệp trong nước. Thực tiễn của những ngành, lĩnh vực có sức cạnh tranh cao của chúng ta hiện nay đều là những ngành, lĩnh vực đã nói không với bảo hộ, cam kết với cạnh tranh, dũng cảm mở cửa và hội nhập.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, việc hiện thực hóa cơ hội từ các FTA vốn luôn là bài toán khó với Việt Nam. Với doanh nghiệp, có 2 việc quan trọng. Đó là doanh nghiệp phải hiểu cặn kẽ các cam kết, từ đó hành động thích hợp tận dụng cơ hội; nâng cao năng lực nền của doanh nghiệp để có đủ lực cạnh tranh. Với cả hai việc này, sự chủ động của doanh nghiệp là tiên quyết.

EVFTA có hiệu lực vào tháng 7-2020
Theo quy định của EU, EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê chuẩn để có hiệu lực. Về thời gian, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, với việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua, Việt Nam chỉ còn một thủ tục là Hội đồng châu Âu phê chuẩn, phía Việt Nam phải đợi kỳ họp Quốc hội sắp tới vào khoảng tháng 5, Chủ tịch nước trên cơ sở đề nghị của Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội. Nếu mọi việc thuận lợi, hiệp định sẽ được phê chuẩn vào tháng 5 tới và sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới. Đây là cơ hội tốt đáp ứng cho kinh tế Việt Nam cũng như các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

NGỌC QUANG – VĂN PHÚC

Xem bản gốc báo SGGP Online tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158