Ký ức về trận bóng đá Bắc – Nam sum họp năm 1976

Đã đăng vào 30/04/2020 lúc 15:41

Trận đấu bóng đá Bắc – Nam sum họp giữa đội Tổng cục Đường sắt Việt Nam và Cảng Sài Gòn ngày 7.11.1976 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức các cựu cầu thủ lẫy lừng. 

Đấy là trận đấu mà đội bóng Tổng cục Đường sắt Việt Nam được Tổng Liên đoàn Lao Động cử là đội bóng công nhân sau giải phóng vào hòa nhập với bóng đá phía Nam, một vinh dự lớn lao. 

"Đó là trận đấu mà tôi đã ghi bàn mở tỉ số trong hiệp 1, anh Lê Thuỵ Hải là người ghi bàn trong hiệp 2 ấn định chiến thắng 2-0 cho đội Tổng cục Đường sắt Việt Nam.

Mặc dù là trận đấu diễn ra không đặt nặng tính ăn thua, thế nhưng bàn thắng đó đã mang lại nhiều ý nghĩa. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ chơi bằng sự cống hiến. Sau này khi được nghe kể và nhắc đến trận đấu như một niềm tự hào, chúng tôi mới biết đến giá trị của trận cầu sum họp Bắc –Nam".

Một trong những cầu thủ của Đường sắt tham dự trận cầu, huấn luyện viên Mai Đức Chung chia sẻ. 

Các cựu cầu thủ Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn tái ngộ trong trận giao hữu 40 năm sau cũng trên sân Thống Nhất. Ảnh: Hoàng Tùng

"Trận đấu đó, khán giả Sài Gòn rất háo hức được tận mắt chứng kiến những cầu thủ đến từ miền Bắc "bằng xương, bằng thịt" thi đấu. Thậm chí, người dân miền Nam còn sờ chân tay, chân cầu thủ và vô cùng ngạc nhiên khi những chàng trai miền Bắc lại cao to, đẹp trai đến thế.

Đấy cũng là trận đấu đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Nhưng lịch sử phải nói đến năm 1980, đó là thời điểm giải bóng đá toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức. Trước đây, bóng đá được tổ chức 3 miền là các giải Hồng Hà – Trường Sơn – Cửu Long.

Và năm 1980 chính là dấu mốc để đời trong sự nghiệp bóng đá của tôi, vì đó là năm giải được tổ chức trên toàn quốc, năm đầu tiên bóng đá thống nhất và Tổng cục Đường sắt vô địch".

Ảnh tư liệu của These Football Times về cuộc hội ngộ bóng đá 2 miền Nam Bắc trên sân Thống Nhất ngày 7.11.1976.

Còn trong ký ức của cựu danh thủ Lê Khắc Chính (biệt danh Chính "Cối"), trước khi đội Tổng cục Đường sắt Nam tiến, đã được Ban Tuyên giáo làm công tác tư tưởng rất kỹ.

Khán giả Sài Gòn thời điểm đó rất háo hức chờ đợi xem cầu thủ miền Bắc thi đấu như thế nào. Lúc đó, Ban Tuyên giáo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chuẩn bị sẵn những kỷ vật lưu niệm cho đội, những lá cờ, những huy hiệu có in tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – Tổng cục Đường sắt. Đó là những kỷ vật mà đến bây giờ, nhiều cầu thủ phía Nam vẫn giữ, trân trọng.

"Thời điểm đó, tinh thần và trách nhiệm của từng cầu thủ là phải xác định chơi đẹp. Trong đầu chúng tôi luôn nghĩ là phải thi đấu thật hay cho lần đầu tiên bóng đá Nam – Bắc sum họp", cựu danh thủ Lê Khắc Chính nói. 

Sau hơn 40 năm trôi qua, những người trong cuộc vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc ở thời điểm đó, khi tất cả đều mang một tâm trạng tự hào. Cựu danh thủ Lê Khắc Chính từng chia sẻ rằng: "Chúng tôi mang trách nhiệm của một đội bóng đại diện miền Bắc nên tinh thần thi đấu và sự nhiệt huyết của mỗi người lúc đó lúc nào cũng dâng trào.

Đến bây giờ đã hơn 40 năm rồi, khi nghĩ lại mới thấy được rằng nó không thể nào phai mờ trong tâm trí mỗi người, khi từng được đá một trận cầu lịch sử như thế".

HOÀI ĐAN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158