Kỳ vọng GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3% -3,5%

Đã đăng vào 02/10/2020 lúc 14:54

Với kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm (Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 202,86 tỉ USD, xuất siêu gần 17 tỉ USD) cùng các động lực tăng trưởng đầy hứa hẹn trong 3 tháng còn lại, Tổng cục Thống kê dự báo mức tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 2%. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế tin tưởng có thể đạt tăng trưởng GDP ở mức 3,0-3,5% trong năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế tin tưởng kích cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm sản và thủy sản vẫn là trụ đỡ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Ảnh: Khánh Vũ

Xuất siêu gần 17 tỉ USD – mảng sáng kinh tế trong bối cảnh COVID-19

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34% so với quý II năm 2020 (tăng 26,6% so với quý I); có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỉ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế – PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định: Xuất siêu 9 tháng đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay bởi giá hàng xuất khẩu tăng và nhu cầu thị trường tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh việc gây nên những tổn thương cho nền kinh tế, thì VN cũng đã tận dụng được cơ hội nhập khẩu lương thực, thực phẩm để dự trữ của nhiều quốc gia.

Sản xuất, kinh doanh sẽ lạc quan

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng dự báo tăng trưởng cả năm khoảng 3,0 – 3,3% do tăng tốc cao cuối năm.

Ông Phạm Đình Thuý – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cũng lạc quan khi từ tháng 9.2020 các hoạt động kinh tế đã “ấm” trở lại, nhiều ngành đã đóng góp cho nền kinh tế nhiều con số tăng trưởng, trong đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp chế biến thực phẩm đã tăng 10,6% trong 9 tháng; có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 59,8%.

Dẫn kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong 9 tháng năm 2020, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tin tưởng tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý IV sẽ lạc quan hơn. “Trên 80% doanh nghiệp dự báo tốt lên và giữ ổn định” – bà Nguyễn Thị Hương nói.

Các ngành khác có triển vọng tăng trưởng tốt trong các tháng cuối năm là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; hoá chất và sản phẩm từ hoá chất; thuốc, hoá dược và dược liệu; sản phẩm caosu; sản phẩm máy tính và sản phẩm quang học…

Các doanh nghiệp trong nước cũng đang tận dụng khá tốt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2020. Nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam đã được thị trường EU đón nhận và hưởng ưu đãi. Đây cũng là “đòn bẩy” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Theo nhận định của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, theo hướng cầu, các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong những năm qua sẽ còn tiếp tục được phát huy trong quý IV/2020 (và năm 2021), gồm: Tăng cường xuất khẩu, tăng đầu tư toàn xã hội về cả lượng và chất; tiêu dùng trong nước theo hướng lành mạnh hơn sau dịch COVID-19. Những động lực cho tăng trưởng chính sẽ tập trung chủ yếu vào khu vực nông nghiệp (chú trọng phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao) và công nghiệp – xây dựng (quá trình dịch chuyển đầu tư và chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu tiếp tục tìm đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và việc thúc đẩy đầu tư công (và cả hình thức PPP) sẽ tiếp tục hỗ trợ lĩnh vực xây dựng tăng trưởng.

Cũng theo báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2020, lãi suất tiếp tục ổn định nhờ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục việc hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống duy trì lãi suất ở mức thấp; nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn (dự kiến 8-9%) và tỉ giá duy trì xu hướng ổn định.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính) lại tỏ ra thận trọng: “Trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu có thể không có nhiều thay đổi đột biến nếu COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp…

Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu 9 tháng năm 2020

Tăng trưởng GDP: + 2,12%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 2,4%; Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới: 98954 DN; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 0,7%; Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện: + 4,8%; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 4,2%; Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: -0,8%; Xuất siêu: 16,99 tỉ USD; Khách quốc tế đến Việt Nam: -70,6%; Chỉ số giá tiêu dùng: + 3,85%; Lạm phát cơ bản: + 2,59%.

PHONG NGUYỄN

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158