Mark Zuckerberg liệu có biến Libra thành “ngân hàng ngầm” cho rửa tiền?

Đã đăng vào 03/07/2019 lúc 9:49

Còn rất nhiều câu hỏi và tranh cãi xung quanh việc Facebook sẽ kiểm soát như thế nào với đồng tiền ảo Libra? Liệu tham vọng của Mark Zuckerberg biến tiền ảo Libra trở thành một phương tiện thanh toán xuyên biên giới có thành hiện thực hay lại sa lầy trở thành công cụ rửa tiền cho các hoạt động phi pháp?

Tiền ảo Libra của Facebook dự báo sẽ tạo nên "cơn địa chấn" khi chính thức ra mắt vào năm 2020. Ảnh Bloomberg

PV Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế về 4 khó khăn, rủi ro chính khi phát triển của tiền ảo Libra của Facebook.  

Lo ngại Libra trở thành công cụ rửa tiền

Ngay từ khi chưa ra mắt, đồng Libra vấp phải sự phản đối từ một số nhà lập pháp và chính trị gia trên thế giới. Bộ trưởng Tài chính Pháp cho rằng không thể để Libra trở thành một loại tiền tệ tương tự như tiền tệ do NHTW phát hành. Giới chuyên gia lo ngại Facebook có thể trở thành một "ngân hàng ngầm” cho các hoạt động rửa tiền, tội phạm.

Một số Nghị sĩ Mỹ yêu cầu tạm dừng phát triển hoàn toàn dự án Libra và Facebook phải điều trần trước Quốc hội.

Tiền kĩ thuật số như Bitcoin, Ethereum, Ripple… thậm chí còn bị cấm ở một số quốc gia. Ngay cả những nơi chấp nhận tiền kĩ thuật số thì các quy định pháp lý vẫn chưa đầy đủ.

An toàn, bảo mật vẫn là dấu hỏi

Facebook cố gắng tạo ra một sự độc lập tương đối giữa hoạt động của Facebook và các vấn đề liên quan đến Libra như thành lập một công ty con Calibra như 1 ví điện tử và nhằm tách dữ liệu thanh toán bằng đồng Libra riêng. Người dùng có thể sử dụng ví Calibra độc lập mà không nhất thiết phải thông qua Facebook hay WhatsApp.

Ông chủ của “gã khổng lồ công nghệ” Facebook đang ấp ủ dự án thay đổi tiền tệ số của toàn cầu. Ảnh ITN

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi và tranh cãi xung quanh việc Facebook sẽ kiểm soát như thế nào với Libra? Nếu kiểm soát quá mức (như tự mình thực hiện việc phê duyệt từng giao dịch và kiểm soát từng người dùng), Libra có thể biến thành một PayPal thứ hai.

Ngược lại, nếu không nắm toàn quyền kiểm soát (ví dụ giao công việc này cho một sàn giao dịch), Facebook khó có thể kiếm lợi nhuận hơn và khó kiểm soát các hoạt động phi pháp, rửa tiền. 

“Lo lắng về tính bảo mật thông tin là một lo ngại có cơ sở, nhất là sau hàng loạt các bê bối của Facebook trong vấn đề này. Những lo ngại này có thể sẽ cản trở niềm tin của người dùng vào Libra”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết.

Rủi ro công nghệ thông tin

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, không ai có thể đảm bảo rủi ro công nghệ thông tin như sàn giao dịch trục trặc, mất tiền, lừa đảo, bị hacker tấn công… sẽ không xảy ra. Kinh nghiệm cho thấy một số sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đã gặp phải những rủi ro này. Chắc chắn Facebook và Hiệp hội Libra phải tính đến biện pháp phòng ngừa cũng như nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác của người sử dụng. 

Mở rộng Hiệp hội Libra không hề đơn giản

Để phát triển Libra và Hiệp hội Libra, các tập đoàn phải đáp ứng nhiều điều kiện. Do khối chuỗi Libra vẫn ở dạng khối chuỗi có phân quyền (permissioned), do đó, chỉ các thành viên đủ tiêu chuẩn mới được chấp nhận vào Hiệp hội Libra.

28 tổ chức sắp trở thành sáng lập viên của hiệp hội Libra. Ảnh FB

Để tham gia Hiệp hội, bên cạnh khoản 10 triệu USD vốn góp ban đầu, các thành viên cần một giàn máy chủ, kết nối Internet chuyên dụng với tốc độ từ 100Mbps trở lên, một chuyên gia/kỹ sư tin cậy làm việc toàn thời gian, có mức độ bảo mật cấp doanh nghiệp trở lên. 

Các doanh nghiệp phải đạt ít nhất 2/3 điều kiện: thứ nhất là giá trị thị trường 1 tỉ USD hoặc số dư tài khoản của khách hàng đạt 500 triệu USD. Thứ hai, tiếp cận 20 triệu người dùng mỗi năm. Thứ ba được công nhận là một trong 100 doanh nghiệp đầu ngành bởi Interband Global hoặc S&P 500 và một số điều kiện khác. 

L.H (GHI)

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158