Minh bạch, an toàn máu hiến nhân đạo

Đã đăng vào 17/12/2019 lúc 9:26

Máu và các chế phẩm từ máu là loại “thuốc” đặc biệt rất cần trong điều trị, dự phòng, cấp cứu, nhất là với những bệnh nhân chấn thương, tai nạn hay mắc các bệnh hiểm nghèo. Hiện nay, mỗi năm nước ta cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu nhưng thực tế lượng máu thu nhận được, chủ yếu máu hiến nhân đạo, chưa đáp ứng nhu cầu điều trị. 

Tất cả máu thu nhận được từ người hiến đều được kiểm tra nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn truyền máu

Hồi sinh nhờ truyền máu

Tại Khoa Tan máu bẩm sinh Bệnh viện (BV) Truyền máu – Huyết học TPHCM lúc nào cũng đông kín bệnh nhân. 7 năm ròng rã theo con đi chữa bệnh là từng ấy năm anh Trần Văn Sinh (43 tuổi, ngụ Long An) quặn thắt lòng khi nhìn đứa con trai xanh xao đau đớn trên giường bệnh. Thấu hiểu được nỗi buồn của những phụ huynh có con mắc bệnh, nên nhiều năm qua anh Sinh đã tình nguyện hiến những giọt máu của mình để mong có thể mang lại sự sống cho những bệnh nhân mắc bệnh về máu. “Mỗi giọt máu là liều thuốc quý giá giúp duy trì sự sống của con. Mỗi lần truyền máu, môi con trai tôi lại đỏ, nó cười, nó chạy nhảy, chơi được. Nếu không truyền máu kịp thời là sẽ biến chứng qua tim, phổi. Con tôi sống nhờ máu của người khác thì tôi cũng sẵn sàng cho máu những ai cần”, anh Sinh bộc bạch.

Theo ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM, năm 2019, thành phố có trên 260.000 lượt người hiến máu, trong đó đạt trên 60% túi máu loại 350-450ml và chất lượng máu sạch, tốt đạt trên 94%. Còn theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, năm 2019, viện tiếp nhận hơn 350.000 đơn vị máu, trong đó 65% lượng máu tiếp nhận tại Hà Nội. Với lượng máu tiếp nhận được, viện đã cung cấp thường xuyên cho 170 BV tại 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với hơn 640.000 đơn vị máu và chế phẩm/năm. “Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Đối với những người bệnh mất nhiều máu, dù thuốc có tốt đến đâu, dù có những kỹ thuật tiên tiến nhất mà không có máu để truyền thì rất khó cứu sống được người bệnh”, ông Trần Trường Sơn cho hay.

Không trả tiền mua máu

Theo các chuyên gia huyết học, một túi máu khi được tiếp nhận từ người hiến sẽ được lưu trữ, phân tích kiểm tra. Sau đó sẽ truyền cho những bệnh nhân có chỉ định truyền máu toàn phần, hoặc được tách ra từng thành phần, như: hồng cầu, tiểu cầu, plasma, tủa đông, để sản xuất các chế phẩm từ máu phục vụ điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Việc chỉ định đúng, sử dụng hợp lý máu và các chế phẩm từ máu là liệu pháp điều trị hữu hiệu giúp cứu sống nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những trường hợp mất máu cấp. 

Bác sĩ Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, cho biết những đơn vị máu thu được từ người hiến máu đều được kiểm tra chặt chẽ nhóm máu (hệ ABO, hệ Rh), virus HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét… Ngoài ra, cơ quan y tế cũng khuyến cáo những người đủ điều kiện hiến máu phải là từ 18-60 tuổi, cân nặng ít nhất là 42kg đối với phụ nữ, 45kg đối với nam giới và đặc biệt không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV hay các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác. Hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều về đường đi của máu nhân đạo sau khi hiến. Nhiều người cho rằng: Hầu hết lượng máu dùng trong điều trị hiện nay là của người tình nguyện hiến tặng, tại sao người bệnh dùng máu vẫn phải trả tiền? Đó là một câu hỏi đang được bỏ ngỏ, khiến nhiều người không “tâm phục khẩu phục” và tỏ vẻ nghi ngờ công tác vận động hiến máu. Trả lời vấn đề này, bác sĩ Trần Thị Như Tố cho biết, người bệnh khi sử dụng máu, không trả tiền mua máu. Số tiền người bệnh phải trả là tiền mua dây truyền máu; kinh phí cho bộ phận đi tiếp nhận; chi phí sàng lọc, xét nghiệm; chi phí sản xuất ra các thành phần máu; chi phí lưu trữ tại các kho đông lạnh và chi phí vận chuyển, cấp phát.

TPHCM đối mặt thiếu máu cấp cứu, điều trị

Hiện cả nước đã vận động và tiếp nhận được khoảng 1,4 triệu đơn vị máu, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu. Tuy vậy, lượng máu tiếp nhận được chưa đủ đáp ứng nhu cầu máu phục vụ điều trị vì mỗi năm cả nước cần ít nhất 1,8 triệu đơn vị máu, tương đương với 2% dân số tham gia hiến máu. Theo TS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy khu vực phía Nam, hiện nguồn máu dự trữ tại trung tâm còn rất ít sau đợt sốt xuất huyết vừa qua. Mỗi ngày, BV Chợ Rẫy phải lưu trữ, phục vụ trung bình 400 đơn vị máu cho bệnh nhân đang điều trị tại đây, và mỗi tuần cung cấp hơn 1.500 đơn vị máu cho các BV ở 5 tỉnh Đông Nam bộ, hỗ trợ những BV trên địa bàn TPHCM. Hiện kho dự trữ máu tại trung tâm chỉ còn trên dưới 1.000 đơn vị máu, nguy cơ thiếu hụt máu truyền cho bệnh nhân. 

Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Khoa Tiêu hóa – Gan – Mật BV Nguyễn Tri Phương, thời gian gần đây, bệnh nhân mắc xuất huyết tiêu hóa, gồm cả xuất huyết trên và dưới đang tăng. Hiện tại, mỗi tuần chỉ riêng khoa này có đến 30-40 ca mắc xuất huyết tiêu hóa nặng phải nhập viện điều trị và phân nửa trong số đó cần truyền máu, khiến lượng máu dự trữ luôn thiếu.

THÀNH AN – MINH KHANG

Xem bản gốc báo SGGP Online tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158