Năng lượng tái tạo của Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Đã đăng vào 26/01/2021 lúc 14:21

Ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về Định hướng Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, năng lượng tái tạo của Việt Nam đã phát triển cực kỳ ấn tượng, chưa có nước nào trong khu vực Đông Nam Á làm được như vậy.

Nhà máy điện gió Đông Hải 1 tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Hải Linh

Ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về Định hướng Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Những đột phá từ Nghị quyết 55

Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý. Triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng. Nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

“Nghị quyết 55 đã soi chiếu, góp phần tạo ra những bước đột phá cho ngành năng lượng Việt Nam” – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nhận định.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Nghị quyết 55 đã mở đường cho một thời kỳ phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta, phù hợp với lợi thế của Việt Nam cũng như xu hướng phát triển bền vững.

“Riêng điện gió, điện mặt trời thì trong 3 năm từ 2018 đến 2020, từ chỗ chỉ sản xuất được có mấy trăm MW/năm đến nay sản lượng đã đạt trên 17.000MW. Đây là con số rất khủng khiếp. Chưa nước nào trong khu vực Đông Nam Á làm được như vậy” – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thông tin.

Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, bên cạnh năng lượng tái tạo, các loại hình năng lượng truyền thống như thủy điện, điện khí, điện than vẫn duy trì hoạt động tốt, tạo nền tảng vững chắc cho ngành năng lượng Việt Nam và ngành điện nói riêng phát huy hiệu quả, đảm bảo điện, năng lượng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi Việt Nam là số 1 trên thế giới

Kể từ khi Nghị quyết 55 được ban hành, Bộ Công Thương đã có nhiều động thái để Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Ngày 11.12.2020, Bộ Công Thương đã đăng tải Bản dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên trang thông tin chính thức của Bộ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đây là bản quy hoạch năng lượng đầu tiên mang tính chất tổng thể và có tính định hướng cho các quy hoạch năng lượng thành phần.

Theo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), bản dự thảo quy hoạch tổng thể đã khắc phục được nhiều tồn tại của các quy hoạch phân ngành trước đây, không chỉ chú ý đến yếu tố phát triển năng lượng (đủ và tin cậy) mà còn chú ý nhiều mặt khác như: Yếu tố môi trường, yếu tố biến đổi khí hậu, yếu tố giá cả, yếu tố thị trường, yếu tố tiết kiệm và hiệu quả, yếu tố kết hợp trong và ngoài nước…Đặc biệt, kỳ này quy hoạch tổng thể đã bám sát các định hướng, chính sách về năng lượng với các chỉ tiêu định hướng trung và dài hạn của Đảng và nhà nước như Nghị quyết 55 của Bộ chính trị, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến 2050. Quy hoạch bám sát với tình hình thực tế và tính khả thi cao hơn.

Chuyên gia năng lượng Trần Viết Ngãi nói rằng, với tài nguyên của Việt Nam: “ Chúng ta có thể tự tin phát triển điện tái tạo (điện gió và điện mặt trời) thêm vài chục nghìn MW nữa không vấn đề gì”.

Đặc biệt, ông Trần Viết Ngãi cho biết, Việt Nam có thế mạnh đặc biệt trong phát triển điện gió ngoài khơi: “Việt Nam có lợi thế là bờ biển dài trên 3.200km, lưu vực biển rất rộng, khắp cả 3 miền Bắc – Trung – Nam… Việt Nam mình ở hướng Đông Nam và hướng Đông, quanh năm sóng vỗ vào bờ, tiềm năng điện gió ngoài khơi Việt Nam là số 1 trên thế giới”.

Để chiến lược an ninh năng lượng quốc gia được thực thi hiệu quả, nguồn vốn chiếm vai trò rất quan trọng.

Chuyên gia Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước – khuyến nghị Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ Công Thương dự thảo nên chỉ rõ Việt Nam sẽ huy động nguồn vốn ODA từ nước nào; chỉ rõ huy động từ trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu chính phủ bảo lãnh là bao nhiêu.

“Quy hoạch cần thể hiện rõ quan điểm của Bộ Chính trị đã nêu tại Nghị quyết 55 về xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành năng lượng của Việt Nam. Quy hoạch cũng cần nêu bổ sung các giải pháp về chính sách tài khóa cho huy động vốn phát triển ngành năng lượng, sử dụng thuế và phí khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển năng lượng xanh, chính sách chi tiêu xanh ưu tiên mua sử dụng năng lượng sạch, và chính sách tín dụng xanh cho ngành năng lượng tái tạo của Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa Nghị quyết 55”, chuyên gia Phạm Xuân Hòe gợi mở.

HẢI LINH

Xem bản gốc báo Lao Động tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158