Năng suất lao động, “chìa khóa” đạt thu nhập 15.000-18.000USD/người

Đã đăng vào 07/08/2019 lúc 10:06

Năng suất và tăng năng suất chính là con đường duy nhất thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững, để có được thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000USD/người vào năm 2035.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát động phong trào “năng suất lao động quốc gia” trong toàn bộ nền kinh tế tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Năng suất lao động đạt 102 triệu đồng/lao động

Phát biểu tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động Quốc gia” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức tại Hà Nội sáng 7.8.2019, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết:

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.

Năng suất lao động (theo giá hiện hành) ước đạt 102 triệu đồng/lao động năm 2018, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2018 là 5,77%/năm.

Tuy nhiên, TS Vũ Tiến Lộc tỏ ra trăn trở, khi mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực:Tính chung giai đoạn 10 năm 2008- 2017, năng suất lao động  (NSLĐ) theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (0,9%/năm); Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philipine (3,3%/năm); Indonesia (3,4%/năm).

Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và 55% của Philipine.

Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

"Trong giai đoạn hiện nay, dư địa cho tăng năng suất dựa trên sự dịch chuyển lao động sẽ không còn nhiều. Chính vì thế, để tiếp tục thúc đẩy việc tăng năng suất, cần phải cải thiện năng suất nội tại của các ngành, của các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN khu vực kinh tế tư nhân” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Năng suất là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Theo Báo cáo Việt Nam 2035, năng suất lao động đang giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng, và tài chính (những ngành mà DN nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và nhận nhiều ưu đãi). Điều đáng lo ngại là, dù số lượng DN tư nhân tăng, nhưng năng suất lại giảm.

Nguyên nhân bởi hầu hết DN tư nhân có quy mô nhỏ và hoạt động trong khu vực phi chính thức nên khó tăng năng suất dựa vào quy mô, công nghệ.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp (yếu tố cơ bản) – là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh ít quan trọng nhất.

Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các DN lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất lao động Việt Nam ngày càng thấp hơn so với các nước trong khu vực.

"Trong bối cảnh nước ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, những lợi thế cạnh tranh truyền thống nói trên đang dần biến mất thì vấn đề năng suất thấp sẽ là một cản trở lớn đối với việc thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế, sẽ khiến chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Do vậy, năng suất cần phải trở thành động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế của Việt Nam" – TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Sáng 7.8.2019, Hội nghị Cải thiện năng suất lao động Quốc gia đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam cùng tham dự.

Hội nghị đã mổ xẻ và phân tích sâu về mức GDP bình quân đầu người (chỉ bằng GDP của Ấn Độ năm 2013, như lời Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm tại hội nghị), năng suất lao động Việt Nam tăng nhưng còn thấp trong thời gian qua; lý do tại sao năng suất lao động Việt Nam thấp, các giải pháp để cải thiện năng suất lao động… 

KH.V

(Theo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158