Nghi vấn 39 người chết trong container ở Anh có người Việt: Nhiều người lo lắng đợi tin

Đã đăng vào 27/10/2019 lúc 16:00

Ngày 26-10, người dân xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) lo lắng, đứng ngồi không yên vì thông tin vụ 39 người chết trong container ở nước Anh có người của xã này.

Cảnh sát Anh và chuyên gia pháp y tại hiện trường vụ 39 thi thể trong container

Cùng ngày, chính quyền địa phương và ngành chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục cử cán bộ xuống động viên, thăm hỏi và xác minh thông tin người dân trên địa bàn nghi vấn là nạn nhân trong vụ 39 người tử vong trong xe container tại Anh.

Lập bàn thờ vọng

Đô Thành là xã có rất đông người đi xuất khẩu lao động, trong đó có khoảng 1.500 người đang làm việc tại châu Âu. Trong số này có khoảng gần 1.000 người ở Đức và Anh. 

Anh Nguyễn Đình Tứ (26 tuổi, ở xóm Phú Xuân, xã Đô Thành) là một người được nghi vấn gặp nạn ở Anh. Người nhà cho rằng anh Tứ đã chết nên lập bàn thờ vọng anh đặt trong nhà. Ông Nguyễn Đình Sắt, bố anh Tứ, cho biết, tháng 3-2019, gia đình bỏ ra 70 triệu đồng để Tứ sang Rumani lao động. Sau khi làm việc ở nước này một thời gian ngắn, Tứ đến Đức.

Sau đó, vì muốn có thu nhập cao hơn nên Tứ đã nhờ một “đường dây” để đưa qua Anh với chi phí khoảng 11.000 bảng Anh. Lần cuối cùng liên lạc với người nhà, Tứ cho biết đang ở Pháp, chuẩn bị vượt biển qua Anh. Tuy nhiên, đến ngày 22-10 thì mất liên lạc. Ngay khi nghe tin phát hiện 39 thi thể trong container bên Anh, người nhà đã liên lạc với “đường dây” nhưng không gặp được ai. Ngày 25-10, phía “đường dây” gọi lại và cho biết “80% khả năng Tứ có mặt trong container định mệnh đó”.

Cách nhà anh Tứ không xa là nhà anh Lê Văn Hà (30 tuổi, xóm Yên Hội, xã Đô Thành). Ông Lê Tuân, bố anh Hà kể, 3 tháng trước Hà vay mượn tiền để đi châu Âu làm việc. Hà xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất qua Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp rồi đến Pháp. Chi phí chuyến đi là 22.000 USD. Sau khi đến Pháp, Hà tiếp tục bỏ 11.000 bảng Anh để được đưa qua Anh. Để có kinh phí cho chuyến đi này, gia đình đã phải cầm 2 sổ đỏ vay tiền ngân hàng. Ông Tuân chia sẻ: “Lần cuối cùng nó điện về cho vợ bảo đang ở Pháp, chuẩn bị qua Anh. Nhưng sau đó thì mất liên lạc cho đến bây giờ”. 

Mong không là sự thật

Ngày 26-10, ở Hà Tĩnh trời mưa khá to, tại ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Phạm Văn Thìn (56 tuổi, ở số 01, ngõ 2, khối 7, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh – bố đẻ của Phạm Thị Trà My, 26 tuổi) có đông người là anh em, bà con, hàng xóm và báo chí đến thăm hỏi, động viên sau khi nghe thông tin Trà My đang bị mất tích trên đường sang Anh.

Từ khi nhận thông tin, mặc dù chưa chính thức, nhưng bà Nguyễn Thị Phong (62 tuổi, mẹ ruột của My) khóc cạn nước mắt, không muốn ăn uống gì nữa và lúc nào cũng cầu nguyện có phép màu cứu con gái của mình. Bà mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ gia đình xác minh, sớm đưa con trở về quê nhà.

“Trước khi My xin đi, chúng tôi có khuyên con ở nhà rồi lấy chồng thì My nói bố mẹ cho con đi nốt chuyến cuối cùng này nữa, con cố gắng kiếm thêm tiền trả nợ rồi về lập gia đình sau. Nhưng không ngờ, giờ biết làm sao để đưa con về”, bà Phong khóc nghẹn.

Ngồi thất thần trên ghế ở gian nhà khách, ông Phạm Văn Thìn, nén đau thương cho biết, gia đình có 3 người con, My là con thứ 2 (trên có anh trai 28 tuổi, dưới có em trai 21 tuổi). Học xong lớp 12, My đi học trung cấp rồi liên thông lên cao đẳng. Lúc đang học cao đẳng, My xin nghỉ đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản được 3 năm. Cách đây mấy tháng thì trở về nhà nhưng thấy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, bố mẹ sức khỏe yếu khó đi làm để trả hết các khoản nợ nần nên My quyết định xin gia đình tiếp tục đi lao động sang Anh với hy vọng kiếm đủ tiền gửi về trả nợ.

Khi bố mẹ hỏi cách đi như thế nào thì My nói đi bằng máy bay. Cứ nghĩ là như vậy nên gia đình đồng ý chạy vạy vay mượn khắp nơi, gom góp được khoảng 950 triệu đồng, sau đó thông qua một đường dây để đưa sang Anh. Trước khi đi, phía người đưa đi yêu cầu nộp trước 22.000USD và sau khi sang bên đó thành công sẽ nộp số tiền còn lại.

Ông Thìn kể: “Ngày 3-10, My đón ô tô ra Hà Nội, ở lại 1 ngày 1 đêm, sau đó đi ô tô sang Trung Quốc. Trong quá trình này vẫn liên lạc về gia đình đều đặn. Tại Trung Quốc, khả năng My làm lại giấy tờ khác, rồi ở lại khoảng 7-10 ngày mới đi tiếp sang Pháp. Khi sang Pháp, có gọi điện về nhà khoảng 1-2 lần, thời điểm đó là khoảng từ ngày 16 đến 18-10. Từ ngày 19 đến 20-10, thì đi tiếp sang Anh, nhưng không thành, bị cơ quan chức năng bắt và trục xuất về lại Pháp. Sau đó khoảng 1-2 ngày, My bặt tin tức”. 

Trước khi mất tích, My có nhắn tin cuối cùng gửi về điện thoại cho mẹ lúc 4 giờ 28 phút ngày 23-10 (giờ Việt Nam) với nội dung: “Con xin lỗi bố mẹ nhiều. Con đường đi nước ngoài không thành. Con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được…”. Từ đó đến nay gia đình đã tìm mọi cách liên lạc nhưng hoàn toàn không được.

Ngày 26-10, một lãnh đạo UBND huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, ban đầu địa phương xác định có 8 người trình báo con mất liên lạc ở Anh từ ngày 23-10 đến nay. Ngoài trường hợp của Phạm Thị Trà My (ở thị trấn Nghèn) được thông tin hôm 25-10, còn có thêm 7 người khác mới xác nhận sáng 26-10. Trong đó, xã Thiên Lộc có 5 người, xã Thanh Lộc và Vĩnh Lộc 2 người. Những người mất liên lạc khả năng có hai tốp, một tốp mới đi từ Việt Nam sang Pháp hồi tháng 10, còn một tốp khác thì đã làm việc ở Pháp và Đức nhiều năm. Hiện chưa rõ họ có liên lạc và cùng đi trên một chuyến xe hay không. Các gia đình trình bày thời điểm nhận thông tin con mất liên lạc từ ngày 23-10, thông qua một số người Việt làm việc ở Anh gọi điện về.

DUY CƯỜNG – DƯƠNG QUANG

(Theo SGGP Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158