Ngư dân gặp khó với Luật Thủy sản mới

Đã đăng vào 05/08/2019 lúc 14:48

Với những quy định mới về kích thước tàu thay vì công suất máy như trước đây. Việc áp dụng Nghị định 26/2019 NĐ-CP vào thực tế đã khiến nhiều ngư dân tỉnh Quảng Nam gặp khó khăn khi hành nghề trên biển.

Luật thủy sản mới gây khó cho ngư dân miền Trung

Ngư dân lo lắng

Ngày 8-3-2019, Chính phủ ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Tại Điều 43 Nghị định 26/2019 NĐ-CP về Quản lý hoạt động của nghề cá trên các vùng biển Việt Nam quy định, đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng; tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m chỉ được hoạt động ở tuyến lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ; tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ, không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi… Nghị định ra đời khiến rất nhiều ngư dân miền Trung lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Ca, thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam – chủ tàu QNa 02519 cho biết, dù tàu ông đạt chiều dài 15m nhưng do công suất nhỏ nên không thể đánh bắt vùng khơi được. Muốn cải hoán nâng cấp máy tàu, số tiền bỏ ra khoảng trên 300 triệu đồng, trong khi Nhà nước không có chương trình hỗ trợ nên rất khó.

Tại TP Đà Nẵng đang diễn ra thực trạng, nhiều tàu cá của ngư dân dù chiều dài đủ từ 15m trở lên nhưng công suất máy không đảm bảo vươn khơi, hoặc có công suất máy đảm bảo thì không đủ chiều dài 15m. Bên cạnh đó, ngày 25-3 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành Công văn số 2030/BNN-TCTS nội dung tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cải hoán, thay đổi kích thước tàu cá từ dưới 15m thành tàu cá từ 15m trở lên; thuê, mua tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đối với tất cả các nghề… càng khiến ngư dân gặp khó.

Cần linh động  

Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thời gian qua, tình trạng tàu cá khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam hoạt động không đúng vùng, không đúng ngư trường thường xuyên xảy ra. Trong khi những quy định liên quan đến kích cỡ tàu và các vùng, ngư trường khai thác còn chồng chéo nên lực lượng chức năng khó quản lý và kiểm soát. “Nghị định 26 sẽ tạo cơ sở pháp lý để lực lượng chức năng chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản ở các vùng biển, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý và kiểm soát hoạt động nghề cá theo hướng bền vững. Các chủ tàu đánh bắt hải sản không tuân thủ theo quy định về vùng, ngư trường sản xuất sẽ bị phạt nặng để nâng cao tính chuyên nghiệp trong khai thác hải sản”, bà Tâm quả quyết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Em, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng – chủ tàu cá ĐNa 90673, nói: “Tôi nghĩ mục đích cuối cùng của Nhà nước khi ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân có thể làm ăn, vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, những quy định mới như không cấp phép cho tàu dưới 15m hoạt động ở vùng biển khơi hay không cấp phép cho việc thuê và mua tàu là chưa phù hợp, gây khó cho ngư dân”. Hậu quả, không chỉ tàu cá ông Em gần 2 tháng nay phải nằm bờ, khảo sát cho thấy, 72/72 tàu cá có chiều dài dưới 15m của phường Nại Hiên Đông đều chung số phận nằm bờ, dù công suất máy đảm bảo.

Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 755 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, tập trung nhiều nhất tại các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên. Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho rằng, dù Nghị định 26 hướng đến sự chuyên nghiệp và đảm bảo an toàn cho ngư dân nhưng Nhà nước cũng nên linh động, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân yên tâm bám biển, mưu sinh. Hiện xã Duy Hải có 138 phương tiện, chủ yếu khai thác mực lá, rập ghẹ với tổng công suất 11.896CV, trong đó có 32 tàu công suất 90CV trở lên (trước đây đánh bắt xa khơi), nhưng bây giờ do không đủ kích thước phải đánh bắt ngư trường khác, hiệu quả thấp dẫn đến nằm bờ.

Số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết, hiện số tàu có công suất trên hoặc bằng 90CV ở TP Đà Nẵng có 192 tàu dài dưới 15m, 509 tàu dài trên 15m. Theo quy định mới, Đà Nẵng chỉ còn 523 tàu đánh bắt ở vùng khơi và 177 tàu chiều dài dưới 15m phải đánh bắt vùng lộng và ven bờ. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, thông tin, hiện Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét cho phép 700 tàu cá đang hoạt động của ngư dân Đà Nẵng được đánh bắt ở vùng khơi và tạo điều kiện cho phép 177 tàu cá có chiều dài dưới 15m được cải hoán thành tàu có chiều dài từ 15m trở lên nhằm gỡ khó cho ngư dân trước tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, bộ vẫn chưa có văn bản trả lời. Đồng nghĩa nhiều tàu cá ngư dân vẫn phải nằm chờ không dám ra khơi.

Tại tỉnh Phú Yên, hiện có 1.183 phương tiện khai thác xa bờ có công suất máy từ 90CV trở lên. Tuy nhiên, theo quyết định mới, Phú Yên chỉ còn 451 tàu khai thác vùng biển khơi; giảm 732 chiếc, trong đó có trên 250 chiếc là tàu câu cá ngừ đại dương. Nhưng nghề câu cá ngừ đại dương không thể hoạt động ở vùng lộng được vì không có loại cá này nên các tàu phải nằm bờ.

Tương tự, tỉnh Bình Định có 723 tàu cá công suất từ 90CV trở lên nhưng chiều dài dưới 15m hiện đang được cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi, với các nghề như: câu, vây, câu cá ngừ đại dương. Nếu những tàu này chỉ được cấp giấy phép khai thác vùng lộng thì sẽ không hiệu quả, gây lãng phí, ảnh hưởng đến sinh kế của các ngư dân…NGỌC OAI

NGỌC PHÚC

(Theo SGGP Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158