Người dân chủ quan, không thực hiện 5K: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19

Đã đăng vào 12/04/2021 lúc 15:39

Lễ hội “Biển và Hoa” vừa khai mạc tối 10.4 tại thành phố biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) thu hút hàng vạn người tham gia, nhưng quy định “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) về phòng, chống dịch COVID-19 đã không được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên trên thế giới lại đang bùng phát các đợt dịch mới. Biểu hiện chủ quan, lơ là phòng chống dịch ở nơi công cộng trên cả nước dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn.

Một số người dân xuống phố đi bộ hồ Gươm “quên” đeo khẩu trang. (Ảnh chụp ngày 11.4). Ảnh: Tùng Giang

Nguy cơ tiềm ẩn đợt dịch mới vẫn hiện hữu

Mặc dù không có ca lây nhiễm cộng đồng nhưng trong những ngày gần đây, vẫn còn xuất hiện những ca mắc mới. Điển hình ngày 9.4 theo báo cáo của Ban chỉ đạo QG phòng, chống COVID-19 có đến 14 ca mắc mới, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Đồng Tháp (01), Kiên Giang (04), TP.Hồ Chí Minh (01), Đà Nẵng (06), Bắc Ninh (02).

Ngay trong ngày hôm qua, 11.4, có thêm 1 ca mắc mới, là bệnh nhân 2693 địa chỉ tại quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng. Ngày 8.4.2021, bệnh nhân từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả xét nghiệm ngày 10.4.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế Thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Trong khi đó, tại hai nước khu vực Đông Nam Á là Campuchia và Thái Lan, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp. Cụ thể số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày bất ngờ tăng vọt lên 3 con số ở cả Campuchia lẫn Thái Lan. Ngày 10.4 Campuchia thông báo nước này có thêm 477 ca COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus corona tại Campuchia lên 4.081 ca. Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận gần 800 ca mới, nhà chức trách đã phải dựng gấp 10 bệnh viện dã chiến để có chỗ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Ngoài ra nhiều nước tại Châu Âu phải lên kế hoạch phong tỏa một số khu vực do lo ngại bùng phát những đợt dịch COVID-19 mới.

Những con số trên cho thấy, dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, không có ca lẫy nhiễm cộng đồng nhưng chỉ một sơ xảy, chủ quan, thiếu kiểm soát là nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ hiện hữu.

Nhiều người dân còn lơ là không đeo khẩu trang

Ghi nhận của Báo Lao Động trong ngày 11.4 tại một số địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình hình chấp hành việc đeo khẩu trang vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Nhiều người dân còn lơ là, chủ quan không đeo khẩu trang hay đeo khẩu trang không đúng cách.

Tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm (Hoàn Kiếm), nhiều gia đình, thanh niên lên phố đi dạo ngày cuối tuần. Tuy nhiên, không ít người “quên” đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy định.

Ghi nhận tại bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, ga Hà Nội, bên cạnh những hành khách đeo khẩu trang, vẫn còn những người “phớt lờ” quy định này.

Chị Đặng Quỳnh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) hành khách tham gia dịch vụ tại bến xe Mỹ Đình chia sẻ: “Theo tôi quan sát, người dân đã quen dần với việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài chức năng phòng chống dịch COVID-19, khẩu trang giúp mình giữ ấm vào mùa đông, chống nắng vào mùa hè. Dù dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế nhưng chúng ta không nên chủ quan”.

Nói về công tác phòng dịch tại điểm phố đi bộ thuộc địa bàn quản lý, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, phường đã chỉ đạo những lực lượng nòng cốt mở 3 chốt tuyên truyền ở trên các tuyến phố trong không gian phố đi bộ. Tuyên truyền tới người dân khi vào phố đi bộ phải tuân thủ khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Ngoài ra, phường cũng đã chỉ đạo tất cả các cửa hàng kinh doanh trong phố đi bộ đều phải thực hiện đăng ký mã QR Code để phục vụ công tác truy vết nếu cần.

Liên quan đến công tác phòng dịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trao đổi với Báo Lao Động, ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang được kiểm soát hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội, cùng với thực hiện quyết liệt ”mục tiêu kép” đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, quận Hoàn Kiếm thời gian gần đây tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Bên cạnh đó, trong trường hợp người dân tham gia các hoạt động sinh hoạt công cộng, đặc biệt tại phố đi bộ hồ Gươm, đơn vị vẫn duy trì các chốt kiểm soát dịch, tăng cường nhắc nhở người dân sử dụng khẩu trang và các biện pháp phòng dịch hiệu quả. Hiện tại quận Hoàn Kiếm chưa phát sinh các trường hợp cá biệt, xử phạt vi phạm về phòng dịch.

Lễ hội “Biển và Hoa” bỏ qua phòng, chống dịch

Tối 10.4, tại TP.Sầm Sơn (Thanh Hoá), Tập đoàn FLC chủ trì tổ chức Lễ hội Biển và hoa hoành tráng khởi động mùa du lịch hè 2021. Hàng vạn người đã chen chân dự lễ hội. Đáng nói, công tác phòng chống dịch COVID-19 hầu như bị bỏ ngỏ.

Theo UBND TP.Sầm Sơn, lễ hội Biển và hoa do Tập đoàn FLC phối hợp UBND TP.Sầm Sơn tổ chức, nằm trong tổng thể các chương trình chào mừng mùa du lịch 2021. Kịch bản và kinh phí do Tập đoàn FLC tài trợ. Đường hoa được tổ chức bên trong khuôn viên khu du lịch nghỉ dưỡng.

Từ đầu buổi lễ (tối 10.4) cho đến ngày hôm nay, không có bất kỳ một cảnh báo về dịch bệnh COVID-19. Tất cả quan khách, du khách tham dự chen vai thích cánh nhưng không ai đeo khẩu trang.

Anh Nguyễn Trọng Khoa – du khách đến từ Quảng Ninh băn khoăn cho rằng, Thanh Hoá và Tập đoàn FLC chủ quan quá. Dù là kích cầu du lịch nhưng cũng không thể thờ ơ với dịch như vậy, nhất là khi các quốc gia láng giềng như Campuchia, Thái Lan con số mắc COVID-19 đang tăng từng ngày.

Theo TS.BS Lương Ngọc Trương – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hoá, hiện nay Thanh Hoá vẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch theo các chỉ thị của UBND tỉnh. Theo đó, Thanh Hoá tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, trong đó yêu cầu tất cả mọi người khi tham gia các hoạt động nơi công cộng, các sự kiện tập trung đông người như: Hội nghị, hội thảo; lễ hội, hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao; đám cưới, đám hỏi, đám tang…, phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế (trước hết là đeo khẩu trang, trong đó tăng cường sử dụng khẩu trang vải)…

Vậy nhưng, cả lễ hội và tiếp theo những ngày sau đó, chỉ lác đác vài người đeo khẩu trang, người không đeo cũng không được bất kỳ ai nhắc nhở. Hàng nghìn người bao gồm lãnh đạo tỉnh và nhân dân đều không đeo khẩu trang.

Để làm rõ hơn tình trạng này, phóng viên nhiều lần liên hệ với bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch thường trực, người phát ngôn của Tập đoàn FLC và bà Bùi Hải Huyền – Tổng Giám đốc Tập đoàn nhưng đều không trả lời. Một nhân viên của tập đoàn này cho rằng, vì kích cầu du lịch nên cũng phải hạn chế các biện pháp phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Sầm Sơn cho hay, UBND TP đã ban hành các phương án, kế hoạch phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh, không chỉ cho một lễ hội mà còn cho cả mùa du lịch. Riêng lễ hội biển và hoa tối 10.4 và những ngày tiếp theo, Trung tâm Y tế UBND TP. Sầm Sơn phối hợp với Tập đoàn FLC thực hiện. Theo đó, Trung tâm Y tế sẽ thực hiện kiểm tra thân nhiệt còn FLC nó là để họ phát khẩu trang. Vậy nhưng, hầu như không có biện pháp nào được thực hiện.

Ngành y tế vẫn chưa “hạ cấp” khuyến cáo 5K, người dân cần thực hiện nghiêm

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động chiều 11.4, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn chưa lúc nào hết nguy cơ lây lan trong cộng đồng, do tình hình dịch bệnh trên thế giới và các quốc gia lân cận rất phức tạp dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tràn vào Việt Nam rất lớn. Ngành Y tế cũng chưa “hạ cấp” việc thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo 5K để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

“Trong lúc này, nếu người dân chủ quan, bỏ qua các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, sát khuẩn tay… chẳng may có một ca bệnh nhập cảnh trái phép từ nước ngoài, hoặc bỏ lọt một ca bệnh nhập cảnh thì nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là cực kỳ lớn” – PGS Phu cảnh báo.

Vì vậy, PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cần nghiêm túc tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế trong phòng chống dịch bệnh. Người dân cần thực hiện giữ khoảng cách với người lạ, sát khuẩn tay thường xuyên, khi đến nơi đông người, nơi công cộng phải đeo khẩu trang và khai báo y tế khi đi tới những vùng có nguy cơ dịch bệnh cao.

Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5 sắp tới, ông Phu cho rằng, việc người dân đi lại, di chuyển nhiều, tụ tập vui chơi, ăn uống ở các khu vực công cộng, tập trung đông người thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lại càng lớn.

“Càng dịp nghỉ lễ, người dân càng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho bản thân, cho gia đình và cả cộng đồng” – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo.

Nếu dịch bệnh xuất hiện, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội chiều 5.4 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: “Dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp. Không thể chủ quan khi nguy cơ, rủi ro vẫn tiềm ẩn. Như các đợt dịch trước, dù các hoạt động xã hội đang bình thường nhưng chỉ một sự cố ở các tỉnh thành sẽ ảnh hưởng đến cả nước và Hà Nội”.

“Các cơ quan, nhà máy, địa điểm công cộng, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K. Nếu để dịch bệnh xuất hiện, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm; các quận huyện thị xã giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly tập trung và sau cách ly, thường xuyên kiểm tra các cơ quan, địa điểm công cộng đông người, xử phạt nghiêm các vi phạm”, ông Dũng lưu ý.

Nhiều nước đối mặt với làn sóng COVID-19 mới

Theo tổ chức Y tế thế giới, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở tiểu vùng Nam Á đã vượt quá mốc 15 triệu vào ngày 10.4, thống kê của Reuters cho thấy. Tại khu vực này, Ấn Độ đang dẫn đầu về số ca lây nhiễm hằng ngày và tình trạng thiếu hụt vaccine.

Khu vực Nam Á gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Bhutan, Nepal, Maldives và Sri Lanka, có số ca nhiễm chiếm 11% tổng số ca nhiễm toàn cầu và gần 6% tổng số ca tử vong. Dân số khu vực này chiếm 23% dân số thế giới. Ấn Độ đã ghi nhận thêm 152.682 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày 10.4 và số ca tử vong mới (837 ca) ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng, trong bối cảnh nước này đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai, khiến chính quyền bang Maharashtra phải ban bố phong tỏa trong hai ngày cuối tuần. Chính phủ nước này cho biết, số ca nhiễm tăng nhanh do tập trung đông người và người dân ít đeo khẩu trang.

Từ 10.4, Iran bắt đầu tiến hành phong toả 10 ngày giữa lúc làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tấn công nước này, AP dẫn tin từ đài truyền hình Iran cho biết. Tại các thành phố được tuyên bố là vùng đỏ, lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Iran đã yêu cầu hầu hết các cửa hàng đóng cửa, các văn phòng được phép hoạt động ở mức 1/3 công suất. Hiện, thủ đô Tehran và 250 thành phố, thị trấn ở khắp nước này được tuyên bố là vùng đỏ. Đó là những nơi có tỉ lệ dương tính với Covid-19 cao và chịu sự hạn chế nghiêm ngặt nhất.

Còn tại Châu Âu, nước Đức đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của COVID-19. Số liệu chính thức được công bố cùng ngày 9.4 cho thấy Đức ghi nhận thêm 25.464 ca mắc, trong khi giới chức y tế cảnh báo nhiều bệnh viện có thể sẽ sớm rơi vào quá tải.

Tại Pháp, theo hãng tin Reuters, cùng ngày, tổ chức các bệnh viện AP-HP của Pháp dự báo làn sóng lây nhiễm thứ 3 trong nước sẽ lên tới đỉnh dịch vào ngày 20.4 tới. Tổ chức này cũng ước tính rằng sẽ chỉ có khoảng 2.000 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại các khu vực chăm sóc đặc biệt ở thủ đô Paris trong giai đoạn đỉnh dịch. AP-HP đưa ra dự báo trên căn cứ vào việc chính quyền đã tăng cường các biện pháp phòng dịch. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh phong tỏa đất nước lần thứ 3.

Những con số trên cho thấy, dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, không có ca lẫy nhiễm cộng đồng nhưng chỉ một sơ xảy, chủ quan, thiếu kiểm soát là nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ hiện hữu.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158