Nguy cơ thiếu điện do dự án chậm, nhiên liệu phụ thuộc nhập khẩu ​

Đã đăng vào 07/09/2020 lúc 14:38

Nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) cho sản xuất điện; trong khi việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.

Toàn cảnh phiên giải trình

Sáng 7-9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra.

Ngành điện đã cung cấp điện ổn định, an toàn, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, mặc dù giai đoạn từ 2011 đến 2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm.

“Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW. So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, sản lượng điện sản xuất ước thực hiện năm 2020 đạt khoảng 93,3% sản lượng quy hoạch, sản lượng điện thương phẩm đạt trên 91,6%”, người đứng đầu ngành công thương cho biết.

Bên cạnh đó, hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh; việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng cũng đạt kết quả khá tốt. Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo (100% số xã và 99,52% các hộ dân, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước có điện).

Chất lượng cung ứng điện và dịch vụ khách hàng cũng được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá là tích cực; thị trường điện cạnh tranh đáp ứng lộ trình quy định…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương công nhận, ngành điện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Có sự mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền (miền Bắc và miền Trung thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu); nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ.

Nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) cho sản xuất điện; trong khi việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.

Huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ…).

Chênh lệch giá khổng lồ, dân chịu?

Trao đổi với báo chí, ĐB Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra nhiều “trục trặc” của ngành điện.

ĐB Đỗ Văn Sinh phân tích: “Giá điện và câu chuyện điều hành giá chỉ là cái ngọn của vấn đề. Cái gốc lớn hơn nhiều, đó là những bất hợp lý trong quy hoạch, đầu tư phát triển nguồn, chính sách phát triển năng lượng tái tạo… Tóm lại là câu chuyện điều hành, chứ không phải giá”.

Theo ĐB Sinh, cách lập, phê duyệt và nội dung của quy hoạch điện lực hiện nay đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy, mà 2 hệ lụy chính là vi phạm nguyên tắc “công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh” quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Điện lực; và làm quy hoạch này “cứng nhắc và dễ vỡ”. Thêm vào đó, trường hợp có sự thay đổi quy mô, thời gian vận hành thì các nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, tiền của, cơ hội đầu tư để chờ thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch.

“Như thế, quy hoạch không còn vai trò định hướng nữa, mà thực chất là chỉ để “cấp phép” – ĐB Đỗ Viết Sinh thẳng thắn bình luận.

Liên quan đến năng lượng tái tạo, trong khi các dự án nhiệt điện lớn bị đình trệ thì năng lượng tái tạo lại khởi sắc một cách… tự phát, mạnh ai nấy chạy.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo từ năm 2011. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không chủ động kịp thời chỉ đạo, tổ chức lập, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch để công bố công khai danh mục dự án; mà hầu hết các dự án đều do các nhà đầu tư tự do lập và “chạy” để được bổ sung vào quy hoạch, dẫn đến tình trạng vỡ quy hoạch.

Đơn cử, nguồn điện mặt trời tăng gấp 7,84 lần so với quy hoạch 2020 (6670/850 MW), hệ thống truyền tải đầu tư không kịp, do đó hệ số huy động công suất điện năng lượng tái tạo năm 2019 chỉ là 12%.

Trong khi đó, việc ban hành giá điện mặt trời, điện gió cố định và rất cao như hiện nay là một điều cần đặt câu hỏi.

“Theo số liệu chứng minh của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam, giá mua bán điện gió luôn cao hơn điện mặt trời và cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thì giá điện gió, điện mặt trời có xu hướng giảm nhanh. Nhưng sau 6 năm, tại QĐ số 11/ 2017/QĐ-TTg quy định giá điện mặt trời là 9,35 US cent/1kWh, cao hơn 0,55 US cent so với điện gió (tại QĐ số 37/2011/QĐ-TTg là 8,8 US cent), và cao hơn 2,26 cent so với giá điện mặt trời mặt đất tại QĐ số 13/2020/QĐ-TTg (là 7,09 cent/1kWh)", ĐB Sinh cho biết.

"Theo đó, với công suất điện mặt trời 4.696 MW đã được EVN ký hợp đồng mua trong năm 2019, số tiền chênh lệch tăng so với giá điện gió là 892 triệu USD (khoảng 20.561 tỷ đồng), so với giá điện mặt trời mặt đất sau 1-7-2019 là 3 tỷ 667 triệu USD (khoảng 84.341 tỷ đồng). Số tiền khổng lồ đó tất yếu sẽ do 97 triệu người dân Việt Nam và các đơn vị tiêu dùng phải gánh chịu”, ĐB Sinh bày tỏ quan ngại và đề nghị Bộ trưởng Công Thương giải trình.

ANH PHƯƠNG

Xem bản gốc báo SGGP Online tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

© 2011 - 2016 Đài Phát Thanh và Truyền Hình Khánh Hòa
Giấy phép xuất bản số: 250/GP-TTĐT cấp ngày 28/09/2018

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chịu trách nhiệm: Ông Lê Anh Vũ - Giám đốc
Trụ sở cơ quan: Đường A1, Khu đô thị An Bình Tân, Phường Phước Long, Nha Trang, Khánh Hoà
Điện thoại: 02583.523158 - Fax: 02583.523158